Cùng với thẩm phán, HTND là lực lượng có vai trò quan trọng trong các quyết định, phán quyết của tòa án tại phiên tòa sơ thẩm. Những năm qua, lực lượng HTND tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc thực thi công lý, đảm bảo tính công bằng, khách quan của pháp luật.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của HTND, hàng năm, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xét xử, cách xử lý các tình huống tại phiên tòa, đặc biệt là cách tiếp cận nghiên cứu và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật mới cho đội ngũ thẩm phán, HTND.
Mới đây, tại thị xã Nghĩa Lộ, TAND tỉnh tổ chức tập huấn HTND và rút kinh nghiệm công tác xét xử đợt II/2019 với sự tham gia của hơn 240 học viên là các thẩm phán, HTND, thẩm tra viên TAND hai cấp tỉnh.
Đồng chí Vũ Thành Đồng - HTND đang công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: "Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số Quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi của TAND Tối cao ban hành ngày 1/10/2019 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 5/11/2019.
Đây là Nghị quyết mới nên ngay sau khi có hiệu lực thi hành, chúng tôi đã được TAND tỉnh triển khai, phổ biến một cách trực quan, sinh động, kịp thời và rất hiệu quả. Đặc biệt, chúng tôi được lãnh đạo TAND tỉnh triển khai đầy đủ và nhấn mạnh các nội dung, thay đổi quan trọng mà Nghị quyết đã nêu ra bao gồm về: phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, một số tình tiết định tội, một số tình tiết định khung, các trường hợp loại trừ xử lý hình sự, nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục, tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có người bị hại là người dưới 18 tuổi…”.
Là người có gần 3 nhiệm kỳ tham gia HTND, hơn ai hết ông Cao Ngọc Khánh - HTND tỉnh hiểu rõ những khó khăn, trách nhiệm lớn lao của công việc này. Ông Khánh cho biết: "Từ khi về nghỉ chế độ, tôi có nhiều thời gian để "toàn tâm toàn ý” với công việc HTND hơn so với khi còn làm công tác kiêm nghiệm.
Trong quá trình tham gia xét xử, tôi đều nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, có tinh thần trách nhiệm cao, thận trọng ghi chép các tình tiết vụ án nên khi xét hỏi hầu hết đúng trọng tâm, trọng điểm và làm rõ thêm nhiều vấn đề cần giải quyết. Mặc dù các hội thẩm ở TAND tỉnh chỉ tham gia xét xử các loại án sơ thẩm, số lượng án không nhiều như một số đơn vị cấp huyện, song quy mô, tính chất vụ án lại phức tạp hơn bởi khung hình phạt cao hơn.
Do đó, khi được TAND tỉnh mời tham gia xét xử, chúng tôi đều nghiêm túc, chủ động trong công việc một cách cẩn thận, có sự trao đổi với chủ tọa phiên tòa về các nội dung liên quan để đưa vụ án ra xét xử đạt kết quả tốt nhất”.
Được biết, năm 2019, TAND tỉnh đã thụ lý và đưa ra xét xử 86 vụ án có HTND tham gia, chủ yếu là các vụ án hình sự, người tham gia nhiều nhất là 30 vụ.
Thời gian tới, để nâng cao nghiệp vụ xét xử cho các HTND, TAND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức tập huấn chuyên môn theo từng chuyên đề và triển khai các văn bản pháp luật mới; qua đó, giúp các HTND trao đổi kinh nghiệm, trau dồi và trang bị kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ, việc; đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTND được tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án, cung cấp đầy đủ tài liệu...
Mặc dù HTND tham gia xét xử tại tòa án chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, các HTND đã tham gia tích cực, chấp hành nghiêm quy định về trang phục, thể hiện tác phong trang nghiêm, đặt câu hỏi thận trọng, đúng trọng tâm, đúng kế hoạch xét hỏi…
Việc phát huy tốt vai trò của HTND trong các phiên tòa sẽ góp phần bảo đảm sự công minh của bản án, làm rõ được các tình tiết trong nhiều vụ án phức tạp, bảo vệ công lý, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, thiếu khách quan trong quá trình tố tụng.
Mai Linh