Thực trạng
Cuối tháng 9 vừa qua, vụ án nam tài xế xe ôm công nghệ Grab bị sát hại tại khu vực bãi đất hoang gần công trường thi công đường nối Phạm Văn Đồng đến Khu công nghiệp Nam Thăng Long, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã trở thành tâm điểm của toàn xã hội khi mà hai đối tượng gây án còn rất trẻ tuổi.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 21 giờ ngày 26/9/2019, hai đối tượng Đinh Văn Trường (19 tuổi) ở xã Thanh Lương và Đinh Văn Giáp (24 tuổi) ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đến khu vực cổng bến xe Mỹ Đình để bắt xe ôm và yêu cầu tài xế chở về nhà bạn ở khu vực phố Tân Phong (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm). Sau đó, do không có tiền nên Giáp xin tài xế để hôm khác trả tiền thì tài xế này không đồng ý.
Hai bên có lời qua tiếng lại và ngay lúc đó, Giáp đã rút dao và đâm liên tiếp vào sau lưng tài xế xe ôm. Thấy nạn nhân bỏ chạy, 2 đối tượng lấy xe máy của nạn nhân phóng đi rồi bỏ trốn về Yên Bái. Tại cơ quan công an, bước đầu các đối tượng đã khai nhận do suy nghĩ bồng bột nên đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Hay như vụ việc hồi tháng 3 khi Ngô Bá Khá - tức Khá Bảnh có mặt tại Yên Bái và đã được nhiều bạn thanh thiếu niên chào đón rất "nồng hậu”.
Khá Bảnh sinh năm 1993, quê ở xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và là một "tay chơi” với đời tư bất hảo. Khá nổi tiếng trên mạng xã hội ngay chỉ sau một đêm với những phát ngôn gây sốc và một phong cách "múa quạt” rất độc và lạ.
Thế nhưng, Khá lại là trở thành "thần tượng” trong lòng nhiều thanh thiếu niên, trong đó có các em học sinh độ tuổi từ 15 - 18 đang học tại các trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn thành phố Yên Bái. Minh chứng rõ nét cho điều đó là rất nhiều học sinh khoác trên mình chiếc áo đồng phục của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đã vây kín xin chụp ảnh cùng và đón tiếp Khá như một ngôi sao.
Hành động này của giới trẻ đã khiến nhiều người phẫn nộ và lo lắng khi "thần tượng” một kẻ có đời tư "bất hảo” như vậy.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã có chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, các đơn vị trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền vào các buổi chào cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt lớp… phân tích rõ những hành vi sai trái và lệch lạc của Khá để kịp thời nâng cao nhận thức cho học sinh tại các đơn vị trường học.
Cũng mới đây, một đoạn clip có độ dài 1 phút 30 giây đã được đăng tải lên mạng xã hội Facebook ghi lại cảnh một nữ sinh THPT Trần Phú, xã An Bình, huyện Văn Yên xông vào đánh tới tấp một học sinh Trường Tiểu học (TH) và THCS Đông Cuông, huyện Văn Yên.
Theo báo cáo của UBND xã Đông Cuông và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên, khoảng 12h trưa ngày 1/11, em Nguyễn Kỳ Duyên - học sinh lớp 9B, Trường TH và THCS Đông Cuông đang trên đường đi học về thì bị Hà Kiều Trinh - học sinh lớp 11A2, Trường THPT Trần Phú, xã An Bình chặn đánh. Khi vụ việc xảy ra có khoảng 10 học sinh Trường THPT Trần Phú và khoảng 20 học sinh lớp 9 Trường TH và THCS Đông Cuông có mặt chứng kiến song chỉ có một vài học sinh vào can ngăn và đều bị em Trinh dọa đánh.
Những vụ việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy một bộ phận giới trẻ đang có những biểu hiện, hành vi "lệch chuẩn”, lối sống buông thả, vi phạm các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức (có cả cố tình và vô tình), dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội, thậm chí là nhiều án mạng thương tâm.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, 8 tháng năm 2019, các nhóm tội phạm trong độ tuổi từ 18 - 30 gồm: xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người chiếm 31%; xâm phạm sở hữu chiếm 45%; nhóm tội phạm ma túy chiếm 15%; nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng chiếm 16%. Theo báo cáo cho thấy trình độ học vấn của tội phạm chủ yếu là trung học cơ sở, trung học phổ thông và thường không có nghề nghiệp, chưa có tiền án, tiền sự.
Đáng lưu ý, có vụ án có tính chất dã man, nguy hiểm, có âm mưu và thủ đoạn từ trước, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Cùng với đó, lối sống thực dụng, buông thả, mờ nhạt về lý tưởng, thiếu hoài bão lập thân, lập nghiệp hay các hành vi nói dối cha mẹ, thầy cô, trốn học, bạo lực học đường... của nhiều thanh niên hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tới không chỉ các bậc cha mẹ, nhà trường mà cả toàn xã hội cần nhìn nhận lại thực trạng trên để có các giải pháp khắc phục.
Nhận diện nguyên nhân
Theo Thượng tá Nguyễn Trường Giang - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Yên Bái - người có kinh nghiệm lâu năm trong việc điều tra, làm rõ các vụ vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ án hình sự, thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới một bộ phận giới trẻ hiện nay có những biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng về mặt đạo đức. Cụ thể, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, nếp sống văn hóa trong nhà trường, đoàn thể cũng như cộng đồng dân cư chưa được thường xuyên, sâu rộng.
Cùng với đó là sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan trong công tác phòng, chống tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật còn thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị nên hiệu quả còn bị hạn chế.
Mặt khác, ở lứa tuổi này, sự nhận thức và tầm hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, tâm lý dễ bị kích động, ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân chưa cao nên rất dễ bị sa vào các tệ nạn xã hội và bị ảnh hưởng bởi những mặt trái của xã hội.
Bên cạnh đó, việc chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, tạo sân chơi bổ ích cho thanh thiếu niên còn thiếu, môi trường xã hội có lúc còn chưa an toàn nên các em rất dễ bị dụ dỗ, tham gia vào các hoạt động vô bổ, tai hại hơn là tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc… Bên cạnh đó còn là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể trong việc phát hiện và giải quyết kịp thời những mâu thuẫn nhỏ từ khu dân cư.
Sự việc bạo lực học đường tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên xảy ra vào ngày 1/11 vừa qua (Ảnh lấy từ clip).
Còn theo anh Triệu Trí Lộc - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Yên Bái thì nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là do sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội với nhiều luồng thông tin độc hại tác động xấu đến nhân cách, hành động của thanh niên. Từ mặt trái của cơ chế thị trường khiến nhiều thanh niên hình thành lối sống thực dụng, coi trọng giá trị vật chất mà quên tu dưỡng tinh thần, nhân cách.
Cùng với đó, các môn đạo đức, giáo dục công dân, lý luận chính trị chưa được coi trọng đúng mực; vai trò, tầm quan trọng của gia đình trong quyết định việc hình thành nhân cách chưa được nhận thức đầy đủ. Cùng đó, việc nắm bắt, theo dõi, kiểm tra giám sát việc thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu niên tại cơ sở chưa thường xuyên, chưa quyết liệt đề ra các giải pháp chỉ đạo nên một số hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục.
Nhận diện thêm nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, cô giáo Hoàng Thị Hồng Nhung - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái cho rằng, nhiều trường hợp do cha mẹ không quan tâm đầy đủ, đúng cách với con cái cũng dễ dàng đẩy thanh, thiếu niên đến tệ nạn, nhiễm văn hóa độc hại, hình thành lối sống hư hỏng, suy nghĩ cực đoan, khi gặp hoàn cảnh bất thường sẽ dẫn đến những hành vi khó lường. Khi cha mẹ và con cái không tìm thấy tiếng nói chung thì dễ dẫn đến những mâu thuẫn gia đình khó được giải quyết theo tiêu chuẩn đạo đức truyền thống, dẫn tới hành vi bạo lực.
Nghị quyết Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ X đã đề ra mục tiêu: "Xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên, có tri thức, sức khỏe, kỹ năng xã hội, năng lực chuyên môn, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại… góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Tuy nhiên, hiện thực hóa mục tiêu tốt đẹp đó không phải là việc làm một sớm, một chiều của một cá nhân hay tổ chức nào riêng lẻ mà là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Thu Trang