P.V: Thưa tiến sỹ, ông vừa bảo vệ thành công Luận án "Một số yếu tố dự báo sớm khối máu tụ lan rộng và giá trị của thang điểm "spot sign” trong tiên lượng chảy máu não tự phát giai đoạn cấp…”. Trong chuyên khoa có rất nhiều lĩnh vực, tại sao ông chọn đề tài này để nghiên cứu?
Tiến sỹ Nguyễn Song Hào: Trước hết trở lại lịch sử, hồi nhỏ tôi sống ở vùng nông thôn và hay gặp nhiều người có tuổi bị đột quỵ não còn gọi là tai biến mạch máu não hay trong đông y gọi là trúng phong tạng phủ, gây tử vong hoặc sống thì tàn tật nặng, làm cho chính gia đình họ lâm vào cảnh nghèo khó. Từ đó, tôi ấp ủ sau này trở thành bác sỹ để có nhiều cơ hội cứu chữa cho bệnh nhân.
Cách đây 12 năm, tôi cũng bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ tại Trường Đại học Y Hà Nội với Đề tài: "Tăng đường huyết cấp cứu ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp tính”. Sau này, khi làm nghiên cứu sinh, tôi tiếp tục được tìm hiểu sâu về chảy máu não trong giai đoạn cấp tính. Giai đoạn này, nếu phát hiện sớm, xử trí kịp thời sẽ đem lại cơ hội sống sót cao hơn cho người bệnh, làm giảm thiểu được tỷ lệ tử vong và tàn phế.
P.V: Được biết, phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, thần kinh phối hợp với hồi sức - cấp cứu. Trong quá trình nghiên cứu, Tiến sỹ gặp thuận lợi và khó khăn gì?
Tiến sỹ Nguyễn Song Hào: Trong giai đoạn đầu, tôi cũng gặp không ít khó khăn, vì hiểu biết vai trò của thang điểm tiên lượng này cho bệnh nhân chảy máu não còn chưa thống nhất, trên thế giới chưa có nhiều nghiên cứu, nhiều câu hỏi đặt ra bệnh nhân chảy máu não khi chụp cắt lớp vi tính mạch máu não có làm cho bệnh nặng hơn không, có cần thiết và các biến chứng khác nữa. Song, tôi cũng cố gắng thuyết phục hội đồng và được sự giúp đỡ tận tâm của thầy hướng dẫn tại các trung tâm lớn như: Khoa Cấp cứu A9, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Bạch Mai, phải hơn một năm sau, quy trình kỹ thuật mới đi vào thường quy.
P.V: Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án đã đánh giá rất cao luận án này, xin Tiến sỹ cho biết rõ hơn ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu trong điều trị?
Tiến sỹ Nguyễn Song Hào: Như chúng ta đã biết, tại nước Mỹ cứ 45 giây có một trường hợp đột quỵ não cấp tính. Chi phí cho điều trị đột quỵ lên đến 51 tỷ đô la/năm (bao gồm chi phí cho thuốc men, chăm sóc y tế và số ngày nghỉ không lao động được). Mặc dù tại Việt Nam chưa có số liệu đầy đủ về chi phí điều trị đột quỵ não, nhưng đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau ung thư và tim mạch và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật, trở thành gánh nặng kinh tế cho bao gia đình.
Đối với người thầy thuốc trong thực hành lâm sàng, nhất là tại khoa hồi sức - cấp cứu, hàng ngày phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân nặng, đặc biệt những bệnh nhân đột quỵ não cấp tính đòi hỏi có thời gian vàng để điều trị (thời gian này trong vòng 4-5 giờ đầu, kể từ khi khởi phát). Nếu chậm trễ sẽ làm mất cơ hội quý để cứu sống người bệnh.
Chính vì vậy, một yêu cầu tất yếu đặt ra cần có một công cụ, một phương pháp thật đơn giản, hữu ích, để các bác sỹ tiếp cận ban đầu với bệnh nhân chảy máu não. Trong khoảng thời gian ngắn có thể nhanh chóng phát hiện những bệnh nhân có nguy cơ cao khối máu tụ trong não bành trướng, cũng như nguy cơ tử vong, để thầy thuốc hoàn toàn chủ động đưa ra các chiến lược điều trị sớm, hợp lý làm giảm được nguy cơ tử vong và tàn phế. Thang điểm này thực sự hữu ích vì được thực hiện bởi kỹ thuật hoàn toàn có thể triển khai ở các bệnh viện lớn từ tuyến tỉnh trở lên, chi phí hợp lý và được bảo hiểm chi trả.
P.V: Xin tiến sỹ cho biết những dự định tương lai trong nghiên cứu khoa học của mình nhằm phục vụ tốt hơn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân?
Tiến sỹ Nguyễn Song Hào: Một giáo sư nổi tiếng của Trường Đại học Y Hà Nội trong hội nghị nghiên cứu sinh có nói với chúng tôi là "Bằng tiến sỹ chỉ là minh chứng cho chúng ta hoàn thành khóa học, trưởng thành bước đầu trong nghiên cứu khoa học, không có giá trị nhiều nếu chúng ta không tiếp tục con đường này, con đường học vấn và tiếp tục ứng dụng trong thực hành lâm sàng….”.
Chính vì vậy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái là đơn vị điều trị và thực hành lâm sàng lớn nhất của tỉnh với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ và đội ngũ thầy thuốc rất chuyên sâu cần phải làm nhiều hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ, chức năng của bệnh viện do Bộ Y tế quy định. Đột quỵ não chỉ là một trong vô vàn các bệnh tật hiểm nghèo, nên còn nhiều lĩnh vực khác, bệnh tật khác cần phải tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng ngày càng chuyên sâu nhằm nâng cao hiệu quả cứu chữa bệnh nhân.
Thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh tham mưu cho lãnh đạo Bệnh viện không ngừng tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong viện để làm sâu sắc hơn mối quan hệ lý luận và thực tiễn, để người dân Yên Bái ngày càng yên tâm được điều trị các kỹ thuật ngày càng chuyên sâu tại tỉnh bởi các bác sỹ của Bệnh viện.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ! Chúc ông ngày càng có nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp nghiên cứu, cũng như trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân!
Trần Minh (Thực hiện)