Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 630/QĐ-TTg về chiến lược phát triển dạy nghề nhằm đổi mới căn bản, mạnh mẽ quản lý Nhà nước về dạy nghề tạo động lực phát triển dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển dạy nghề, tập trung xây dựng các trường nghề chất lượng cao.
Để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách giáo viên, giáo viên dạy nghề có trình độ cao về công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với ưu đãi về chính sách thu hút và tuyển dụng.
Các cơ sở dạy nghề đã triển khai việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, giảng viên tự học nâng cao trình độ (ngoài ngân sách Nhà nước) như: tiến sỹ, thạc sỹ, bồi dưỡng chuẩn tin học IC3, tiếng Anh theo tiêu chuẩn châu Âu, chuẩn kỹ năng nghề quốc gia…
Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2010 đến nay, Yên Bái đã phối hợp liên kết mở trên 40 lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học và kỹ năng phát triển chương trình đào tạo cho 821 lượt giáo viên, trong đó 487 người là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư thuộc các trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp để tham gia đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT).
Hiện nay, toàn tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 4 trường cao đẳng (công lập 3 trường); trung cấp 3 trường (công lập 2 trường) và 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX) ở các huyện với 464 giáo viên đang giảng dạy tại các TTGDNN-GDTX, trong đó, trình độ tiến sỹ, thạc sỹ 125 người, chiếm 26,9%; đại học 306 người, chiếm 66%; cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, công nhân kỹ thuật 33 người… chiếm 7,1%.
Ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Trong số giáo viên trên, hàng năm có trên 200 người tham gia giảng dạy tại các lớp dạy nghề cho LĐNT theo Đề án 1956. Qua các đợt kiểm tra, giám sát cho thấy, các giáo viên đã đáp ứng tốt yêu cầu về kỹ năng nghề, trình độ sư phạm dạy nghề. Đối với nghề nông nghiệp, đã huy động được đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, cán bộ khuyến nông có nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra”.
Bên cạnh những thuận lợi trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy hiện nay, từ năm 2014, tỉnh đã tiến hành sáp nhập các TTGDNN - GDTX tại 7 huyện, thành phố.
Sau khi sáp nhập, mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, khuyến kích giáo viên chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu ĐTN cho LĐNT, tuy nhiên nhiều TTGDNN - GDTX cấp huyện vẫn còn nhiều giáo viên dạy văn hóa phổ thông, trong khi đó các cơ sở này đang thiếu giáo viên dạy nghề, đặc biệt ở một số nghề như: kỹ thuật cơ khí, điện dân dụng, may công nghiệp, xây dựng…
Để tiếp tục đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề, thời gian tới, các trung tâm này cần liên kết chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp trong việc định kỳ cử giáo viên thực hành, thực tập, từ đó, sản phẩm tại các cơ sở là sự đánh giá kỹ năng tay nghề của giáo viên.
Bên cạnh đó, các trung tâm cần thường xuyên tổ chức dự giờ, tăng cường hội thi, hội giảng nhằm đánh giá kỹ năng tay nghề của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng ĐTN theo chương trình hội nhập hiện nay.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã biên soạn mới và chỉnh sửa 43 bộ chương trình, giáo trình dạy nghề cho LĐNT, trong đó, điều chỉnh về nội dung và thời gian đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực thế tại từng địa phương như: nghề kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi lợn nái sinh sản, chế biến măng tre Bát độ, trồng dâu nuôi tằm, kỹ thuật nuôi ong mật… Việc xây dựng chương trình, giáo trình đã thống nhất về tên nghề, nội dung đào tạo, mức chi phí… đảm bảo thống nhất về kiến thức, kỹ năng của nghề đã đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. |
Thái Hưng