Xác định việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác xét xử, ngay từ đầu năm, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chặt chẽ và khoa học.
Trong đó, chú trọng công tác phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, công an và cơ quan truyền thông khi đưa các vụ án xét xử lưu động rút kinh nghiệm.
TAND hai cấp tỉnh thường xuyên quan tâm xem xét, lựa chọn các vụ án đảm bảo điều kiện để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; ưu tiên lựa chọn các vụ án có tính chất phức tạp hoặc vụ án có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; tuyệt đối không chạy theo số lượng hoặc để hoàn thành chỉ tiêu được giao mà lựa chọn vụ án có tình tiết đơn giản, không phát huy được nhiều trong việc điều hành tranh tụng.
Từ tháng 11/2018 đến ngày 31/10/2019, TAND hai cấp tỉnh Yên Bái đã tổ chức xét xử được 195 phiên tòa rút kinh nghiệm (195 vụ/52 thẩm phán). Các phiên tòa rút kinh nghiệm của TAND hai cấp nói chung và TAND tỉnh nói riêng đều diễn ra đúng trình tự, thủ tục tố tụng, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng; đặc biệt là quá trình điều hành tranh tụng tại phiên tòa của thẩm phán được diễn ra nghiêm túc, đạt chất lượng.
Sau khi kết thúc phiên tòa, lãnh đạo Tòa án các đơn vị tổ chức ngay phiên họp rút kinh nghiệm xét xử; thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến về những kết quả đạt được cũng như những mặt còn hạn chế, thiếu sót của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, thành viên hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa; qua đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác xét xử các loại án, nhất là án hình sự.
Cùng với việc tổ chức, việc xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của TAND hai cấp tỉnh năm 2019 cũng đa dạng hơn so với năm 2018 về loại án.
Qua dự và theo dõi các phiên tòa rút kinh nghiệm của các thẩm phán, TAND hai cấp tỉnh đánh giá các đơn vị cơ bản đã làm tốt công tác chuẩn bị xét xử như: nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, xác định đầy đủ tư cách đương sự, người tham gia tố tụng; lập kế hoạch điều khiển, đề cương xét hỏi, dự thảo các văn bản tố tụng cần thiết cho việc hoàn thiện các phiên tòa; dự kiến diễn biến phiên tòa, những tình huống có thể phát sinh trong quá trình xét xử và căn cứ pháp lý để giải quyết vụ án; các thẩm phán - chủ tọa phiên tòa có sự chủ động trong phân công các thành viên hội đồng thực hiện điều khiển việc tranh tụng.
Đặc biệt là phần thủ tục bắt đầu phiên tòa đối với thư ký phiên tòa đã có nhiều tiến bộ, chu đáo và chuyên nghiệp hơn. Điển hình như: thư ký của TAND huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã thực hiện rất tốt việc phổ biến nội quy phiên tòa bằng tiếng Việt sau đó phiên dịch lại bằng tiếng Mông cho vị cáo, người tham gia tố tụng và nhân dân địa phương đến dự đều có thể nghe và hiểu được.
Để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp, TAND hai cấp tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chú trọng hơn trong công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; duy trì mỗi thẩm phán tổ chức ít nhất 2 phiên tòa rút kinh nghiệm/năm; chú trọng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan truyền thông nơi tổ chức phiên tòa để tạo điều kiện và nâng cao chất lượng xét xử các loại án trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Mai Linh