Yên Bái tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa cho học sinh

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/12/2019 | 1:54:34 PM

YênBái - Nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là rác thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, nhà trường tổ chức các buổi tuyên truyền ngoại khóa, triển khai các cuộc thi vẽ tranh, thời trang, văn nghệ với chủ đề về môi trường, rác thải nhựa.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường bình xét, đánh giá các bức tranh của học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt về bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường bình xét, đánh giá các bức tranh của học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt về bảo vệ môi trường.

Có mặt tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái trong buổi tuyên truyền ngoại khóa về giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy, chúng tôi nhận thấy sự tham gia nhiệt tình đông đảo, sôi nổi của học sinh các khối lớp. 

Qua các phần thi thời trang được làm từ rác thải nhựa, thi vẽ tranh và trả lời câu hỏi nhanh đã cho thấy sự đầu tư công phu cũng như nhận thức về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy của các em học sinh. 

Em Trần Hoàng Minh Thư - học sinh lớp 10A2, Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: "Thông qua những buổi tuyên truyền ngoại khóa như thế này, chúng em đã từng bước nhận thức được tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường. Chúng em cũng từng bước thay đổi hành vi hàng ngày đối với môi trường như: vứt rác đúng chỗ, phân loại rác”. 

Theo thầy giáo Hoàng Xuân Thủy - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, thời gian qua, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các em học sinh, trong đó có dự án "Sống xanh 1440”. 

Dự án đã tổ chức những buổi tuyên truyền về biến đổi khí hậu và rác thải nhựa tại nhà trường. Chương trình đã đem đến cho các em những kiến thức đầy đủ, bổ ích về tầm quan trọng của môi trường sống, đồng thời giúp các em hiểu rõ hơn về tác hại và lợi ích của mỗi hành động nhỏ mà các em đang làm. 

Dự án cũng làm thay đổi một phần diện mạo của nhà trường, trường lớp học được dọn sạch sẽ hơn và trang trí bằng những chậu hoa, cây xanh. Hiện nay, trang Fanpage "Sống xanh 1440” của trường thu hút 1,6 ngàn người theo dõi và hưởng ứng các phong trào về môi trường, chống rác thải nhựa. 

Cùng với trường THPT Lý Thường Kiệt thì Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa cho học sinh các cấp học. 

Thầy giáo Nguyễn Quang Hợp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Thông qua các buổi tuyên truyền như thế này, tôi mong muốn mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường là một tuyên truyền viên để góp phần thay đổi thói quen sử dụng tú ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Đi liền với đó, nhà trường sẽ  chuyển sang dùng các vật liệu thân thiện, không mua nước đóng chai nhựa, dùng các kẹp tài liệu, hộp đựng tài liệu bằng chất liệu dễ phân hủy…”.

Theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, bình quân mỗi ngày phát sinh khoảng 460 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 10%, tương đương 46 tấn/ngày. Trong khi đó, chất thải nhựa hầu hết chưa được phân loại mà thu gom, vận chuyển và xử lý cùng các loại chất thải rắn sinh hoạt khác. Bên cạnh đó, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới chỉ được thực hiện tại các đô thị, còn tại khu vực nông thôn chủ yếu do các gia đình tự thu gom, đốt và chôn lấp. 

Ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết: "Một trong những nguyên nhân khiến lượng rác thải nhựa ngày càng tăng là sự tiện dụng của đồ dùng nhựa và nhiều người dân chưa có ý thức thu gom, phân loại để tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa. Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về rác thải nhựa, nhất là việc sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy trong các trường học, Sở đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền ngoại khóa cũng như các cuộc thi vẽ tranh, thời trang về tác hại của rác thải nhựa. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường phát ba lô, túi đeo chéo, áo phông và túi ni lông cho các trường học và điểm bán hàng”. 

Vấn đề thu gom, xử lý tiến tới hạn chế, chấm dứt sử dụng rác thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đang ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh môi trường sống đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vì thế, bên cạnh công tác tuyên truyền của các cấp, ngành thì mỗi chúng ta hãy tự bảo vệ môi trường sống của mình bằng các hành động nhỏ như: không sử dụng túi ni lông khó phân hủy; dùng chai, lọ thủy tinh thay chai, lọ nhựa; ưu tiên mua các sản phẩm bằng hộp giấy; giảm thiểu tiến tới không sử dụng các đồ đựng thực phẩm làm từ nhựa…

Hùng Cường

Các tin khác
Hội Nông dân các tỉnh trong cụm khu vực trung du và miền núi Tây Bắc tham quan Hợp tác xã Quế Hồi - hợp tác xã điển hình của Hội Nông dân tỉnh trong sản xuất theo chuỗi quế hữu cơ.

Trong năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái chú trọng đổi mới nội dung phương pháp thực hiện, tập trung hướng mạnh về cơ sở, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, trao đổi thông tin và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hội viên để thực hiện hoàn thành thắng lợi 8/8 chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao theo Chương trình hành động 144.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ thực hiện ca nội soi dạ dày.

Năm 2019, dấu ấn quan trọng được ghi nhận của ngành y tế Yên Bái là công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước về y tế đạt hiệu quả cao. Ngành đã rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức, bộ máy và mạng lưới, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện các quy chế trong quản lý điều hành hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình trao đổi nghiệp vụ với kiểm sát viên.

Những năm qua, Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân huyện Yên Bình luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành, tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp… đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Những lớp học có trợ giảng rất thuận lợi trong việc tăng cường tiếng Việt qua tiếng mẹ đẻ.

Sau 2 năm triển khai Dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ dân tộc thiểu số tại Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) tài trợ, 8 đơn vị trường (4 trường mầm non, 4 trường tiểu học ở 4 xã Nậm Có, Cao Phạ, Mồ Dề, Lao Chải) trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã biết vận dụng linh hoạt các kỹ năng, kiến thức mới để tổ chức giảng dạy, tăng cường khả năng đọc viết cho học sinh tiểu học, giúp trẻ mầm non làm quen với toán và đọc viết nhanh hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục