Tới nhà văn hóa tổ 14, thị trấn Yên Bình, địa điểm tổ chức buổi gặp mặt CLB CCB Sư đoàn 316 Yên Bái vào một sáng cuối đông. Được nghe chuyện từ những người trực tiếp cầm súng chiến đấu trở về từ cuộc chiến, một người trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình như tôi hơn bao giờ hết cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh, sự hy sinh, lòng dũng cảm của những người lính và đặc biệt trân quý biết bao nghĩa tình đồng đội của những người đã từng vào sinh ra tử, cùng nhau cống hiến quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc hôm nay.
Giai đoạn từ năm 1959 - 1973, thực hiện sự thỏa thuận giữa Trung ương hai Đảng và Chính phủ hai nước Việt - Lào, Bộ Tổng tư lệnh cử một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam sang Lào. Lúc này Quân khu Tây Bắc giao cho Lữ đoàn 316 chủ động phối hợp chiến đấu cùng quân dân Lào chống kẻ thù chung, giúp bạn xây dựng lực lượng, căn cứ kháng chiến, tiêu diệt địch quấy phá biên giới Việt Nam, từng bước tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở chiến trường Lào, đồng thời tạo đà phát triển cho cách mạng Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam bảo vệ miền bắc hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cũng như bao thanh niên cùng trang lứa theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1958, Nguyễn Quang Tháp nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 148 thuộc Sư đoàn 316 đóng quân ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, huấn luyện cấp tốc trong vòng 1 năm. Năm 1959, cả đơn vị hành quân sang Lào chiến đấu trong suốt giai đoạn 1959 - 1973.
Trong một lần đi trinh sát, ông bị thương, gãy mất một cánh tay và một chân, bị một vết thương lớn ở lưng do mảnh đạn găm vào người từ pháo kích của địch, mức thương binh hạng 4. Hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, ông cùng gia đình lên Yên Bái sinh sống. Ngược dòng ký ức trở lại những năm tháng chiến đấu, ông Nguyễn Quang Tháp nhớ như in kỷ niệm sâu sắc về trận đánh ở Huổi Mạ và Pa Thí.
Ông tâm sự: "Ngày ấy tôi là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 nhận nhiệm vụ giải phóng Huổi Mạ thì chạm trán với đội quân của Vàng Pao được huấn luyện chính quy, có trang bị vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ với 12 tiểu đoàn dù đổ bộ xuống Huổi Mạ và Pa Thí. Tất cả anh em Tiểu đoàn 4 đã chiến đấu kiên cường giải phóng được Huổi Mạ. Sau đó, tiểu đoàn chúng tôi đưa quân lên hỗ trợ Tiểu đoàn 6 đang chiến đấu ở Pa Thí, suốt 15 ngày đêm gian khổ trên vùng núi đá hiểm trở, cuối cùng chúng tôi cũng giải phóng được Pa Thí”.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Mê Linh, Hà Nội, năm 1974, Nguyễn Thanh Lơi xung phong đi bộ đội được huấn luyện tân binh cấp tốc tại Sư đoàn 304 ở Bắc Thái. Sau khi huấn luyện xong, ông được bổ sung vào Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 ở Anh Sơn, Nghệ An, thuộc lực lượng bổ sung quân đội cho đơn vị vào Nam chiến đấu.
Nhắc lại kỷ niệm chuyến hành quân gian khổ vào Tây Nguyên, ông Lơi kể: "Chúng tôi hành quân đi bộ trên đường 10 ngày đêm, còn chủ yếu là đi xe cơ giới mà đường sá khúc khuỷu, cát bụi mù mịt, nhiều khi mưa lớn ngập nước đi qua vũng bùn lớn, đất xình lầy lại kẹt xe, gây khó khăn trong việc di chuyển nhưng anh em trong sư đoàn vẫn quyết tâm hướng về phía trước”. Năm 1976, sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông trở về xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái sinh sống.
Sau khi nghe những câu chuyện về thời cầm súng chiến đấu, tôi như thấu hiểu về một phần lịch sử khó khăn mà họ đã trải qua. CLB CCB Sư đoàn 316 vẫn thường xuyên gặp mặt, ôn lại kỷ niệm xưa, động viên nhau cùng sống vui - sống khỏe - sống có ích, giữ vững phẩm chất bộ đội cụ Hồ, như lời Đại tá Nông Phương Nam - Chủ nhiệm CLB CCB Sư đoàn 316 Yên Bái: "CLB chúng tôi có 34 đồng chí, keo sơn, gắn bó như anh em một nhà, cùng nhau đóng góp mỗi đồng chí từ 1 trăm đến 5 trăm nghìn đồng, giúp đỡ nguồn kinh phí xây dựng nhà ở, xóa nhà dột nát cho 2 hội viên đời sống còn khó khăn. Chúng tôi còn thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình hội viên và các đồng chí ốm đau, bệnh tật; khuyến học, tặng quà cho con, cháu hội viên có thành tích học tập tốt. Vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm, chúng tôi thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương tri ân những người đồng đội đã khuất. Chúng tôi luôn dặn nhau phải là tấm gương sáng để con cháu học tập và noi theo."
Bùi Minh