Nghĩa Lộ là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện việc sáp nhập, đổi tên tổ dân phố (TDP) theo Nghị quyết số 25 ngày 25/7/2017 của HĐND và Quyết định số 1513 ngày 29/8/2017 của UBND tỉnh. Trước sáp nhập, thị xã có 45 nhà văn hóa (NVH) khu dân cư, 2 NVH xã, phường, phục vụ cho 100 TDP, bản.
Qua rà soát, Nghĩa Lộ thực hiện sáp nhập đối với 4 phường, còn 3 xã giữ nguyên. Sau sáp nhập còn 71 TDP, thôn, bản (23 thôn, bản và 48 TDP, giảm 29 TDP; TDP lớn nhất có gần 200 hộ và nhỏ nhất có trên 40 hộ).
Hiện nay, cơ bản các TDP đều có NVH hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do quy mô số hộ dân/TDP tăng nên phần lớn các NVH đã xây dựng không đáp ứng nhu cầu của người dân. Thị xã đang có 20 TDP sinh hoạt ghép hoặc sử dụng chung với NVH của xã, phường; 6 TDP, bản phải tổ chức sinh hoạt nhờ tại trường học hoặc nhà dân.
Khó khăn sử dụng nhà văn hóa
Trước đây, nếu mỗi thôn, bản, TDP có một NVH làm nơi sinh hoạt chung cộng đồng thì sau khi sáp nhập, có nơi, TDP có tới 2 NVH hoặc có nơi không có NVH - ở trong tình trạng "dở khóc, dở cười” là tuy thừa NVH nhưng lại thiếu một NVH có quy mô lớn đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt cho các thôn, hay một số NVH xuống cấp, không có NVH…
Trao đổi với chúng tôi về điều này, bà Quách Thị Thu Nga - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã cho biết: NVH thôn, TDP là một trong những tiêu chí xét duyệt, công nhận danh hiệu thôn, TDP văn hóa. Sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập, thời gian qua, thiết chế văn hóa này đã mắc phải nhiều hạn chế trong việc khai thác, sử dụng vì không còn đáp ứng với số lượng người dân trong các thôn, TDP
"Hiện nay, phần lớn các NVH đều xây dựng trước khi thực hiện sáp nhập, các NVH xây dựng cũ có diện tích nhỏ, hội trường, ghế ngồi chỉ phù hợp với thôn có dân số ít nên một số TDP không đủ chỗ sinh hoạt phải nhờ nhà dân hoặc mượn trường học làm điểm sinh hoạt” - bà Nga nói.
Phường Trung Tâm là trung tâm kinh tế, thương mại của thị xã và đang triển khai thực hiện Đề án phường văn minh đô thị. Theo đề án, có 25 chỉ tiêu, đã hoàn thành 21 chỉ tiêu, còn lại 4 chỉ tiêu chưa đạt, trong đó, chỉ tiêu thiết chế NVH.
Tìm hiểu được biết, với quỹ đất ít, với quy mô sau sáp nhập còn 16 TDP (giảm 7 TDP). Hiện phường có 6/16 NVH: Cang Nà, Pá Khết, Bản Lè, TDP 6, TDP 13, TDP 4 có thiết chế NVH. Trong đó, 2 NVH Cang Nà và Pá Khết được xây dựng lâu, đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể sử dụng, điển hình, gần đây nhất dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và nhiều hoạt động khác không thể tổ chức trên nhà sàn.
Tại TDP 8 (sáp nhập TDP 13 và 14), phường Trung Tâm, thời điểm trước và sau sáp nhập, TDP chưa có NVH nên các hoạt động thường xuyên phải sinh hoạt nhờ nhà dân, nhưng bây giờ quy mô TDP lớn hơn nên không có chỗ sinh hoạt.
Ông Đào Ngọc Thuân - Tổ trưởng TDP 8 cho hay: "Tổ chúng tôi có 250 hộ, hầu hết các hộ là buôn bán kinh doanh. Do không có NVH, việc tổ chức họp rất khó khăn, ví dụ như vừa rồi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng tôi vận động thì người dân mới tham gia hay mỗi lần tổ chức văn nghệ, tràn ra lòng đường để tập luyện, mất mỹ quan, mất an toàn giao thông...".
"Nguyện vọng của nhân dân mong muốn có NVH sinh hoạt, chúng tôi có tờ trình gửi các cơ quan chức năng và được trả lời quỹ đất khu chợ là của tỉnh quản lý, có công trình dự án nên không được. Chúng tôi chỉ cần có quỹ đất, vận động ủng hộ người dân xây dựng từng bước, dự kiến hộ đảng viên góp 1,5 triệu đồng, hộ dân bình thường 1 triệu đồng và được mọi người đồng tình cao. Trước mắt, công việc cần triển khai, tôi phô tô rồi phát đến từng nhà” - ông Thuân cho hay.
Tìm hiểu được biết, cùng quan điểm với ông Thuân, rất nhiều người dân đồng tình như: bà Hà Thị Kim Thoa, ông Phạm Ngọc Quang, bà Nguyễn Thị Chiến…
Giống như TDP 8, thì TDP 3 cũng không có NVH, bà Phạm Thị Lĩnh - Tổ trưởng chia sẻ: "Chúng tôi mong mỏi có NVH để người dân sinh hoạt, trẻ em có chỗ vui chơi. Hơn thế, NVH là thiết chế văn hóa, chỉ tiêu để đánh giá TDP văn hóa”.
Song song với đó, một số xã, phường có NVH nhưng do làm bằng gỗ, sàn bê tông được xây dựng đã lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Thực trạng thừa, thiếu NVH không phải là câu chuyện riêng của bất kỳ một thôn, TDP nào, mà là câu chuyện chung của tất cả các địa phương được sáp nhập.
Giải pháp trước mắt
Quản lý và khai thác sử dụng các NVH sau sáp nhập là câu chuyện nan giải. Để tránh sự lãng phí, các NVH vừa được xây dựng trong giai đoạn nông thôn mới hay một số NVH được sửa chữa, nhiều địa phương rà soát các NVH hiện có, tận dụng NVH cũ tổ chức cho nhân dân sinh hoạt.
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Trước mắt, đối với việc sửa chữa, nâng cấp NVH, thị xã giao trách nhiệm cho UBND các xã, phường, TDP, thôn, bản tích cực tuyên truyền và thực hiện vận động kinh phí từ các nguồn xã hội hóa, kêu gọi sự vào cuộc đóng góp của nhân dân gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phường văn minh đô thị.
Mặt khác, việc xây mới, hiện nay, được sự giúp đỡ của tỉnh, UBND thị xã đã quy hoạch được quỹ đất tại phường Trung Tâm để xây dựng NVH, dự kiến sẽ có 3 vị trí bố trí được quỹ đất để xây dựng 3 NVH phục vụ cho 6 TDP, đang chờ công tác giải phóng mặt bằng.
Ngay sau khi có mặt bằng, UBND thị xã sẽ chỉ đạo UBND phường tiến hành xây dựng NVH, thị xã xem xét bố trí hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch, mức hỗ trợ 90 triệu đồng/nhà và UBND phường sẽ huy động đóng góp thêm của nhân dân và doanh nghiệp.
"Mục tiêu năm 2020 phường sẽ xây dựng đủ các thiết chế văn hóa, hoàn thành mục tiêu phường đạt chuẩn phường văn minh đô thị” - bà Hạnh nói.
Thực tế cho thấy, vấn đề sử dụng NVH sau khi thực hiện sáp nhập thôn, TDP, một số địa phương đã căn cứ vào tình hình thực tế để vận dụng một cách sáng tạo, có những giải pháp linh hoạt để khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn số ít địa phương chưa chủ động tháo gỡ khó khăn mà còn đang trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.
Thiết nghĩ, trên cơ sở định hướng giải pháp về xây dựng cơ sở vật chất sau khi sáp nhập thôn, TDP, các địa phương cần chủ động tìm ra những giải pháp để giải quyết, khắc phục những bất cập trong việc sử dụng NVH sau sáp nhập, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thị xã văn hóa - du lịch.
Trần Minh