Thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, những năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm của Bộ Y tế, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị xã, thành phố và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, toàn thể cán bộ nhân viên ngành y tế tỉnh Yên Bái không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức từng bước cải tiến chất lượng, đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ, không ngừng nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, đem đến sự hài lòng ngày càng cao của nhân dân.
Trên tinh thần Nghị quyết 39 của Chính phủ, Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hệ thống tổ chức bộ máy của ngành tiếp tục được củng cố và kiện toàn. Từ 43 đơn vị đầu mối, đến nay còn 21 đơn vị đầu mối; giảm 63 khoa, phòng và tương đương, giảm 19 đầu mối tuyến xã trực thuộc tuyến huyện, tinh gọn được bộ máy, giảm các đầu mối, giảm biên chế, đặc biệt là ở những khu vực lao động gián tiếp, tăng hiệu quả sử dụng trang thiết bị, hiệu quả sử dụng nhân lực.
Nhân lực ngành y tế được chú trọng nâng cao về chất lượng. Toàn ngành hiện có 3.141 cán bộ; trong đó, 830 bác sĩ, đạt tỷ lệ 10,1 bác sĩ/vạn dân; 103 dược sĩ đại học, đạt tỷ lệ 1,25 dược sĩ đại học/vạn dân; tổng số xã có bác sĩ làm việc là 146 xã, đạt tỷ lệ 81,1%. Tổng số nhân viên y tế thôn, bản là 1.140 người, đạt 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Bên cạnh đó, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề luôn được ngành quan tâm.
Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh (Quyết định 33/2011/QĐ-UBND ngày 8/11/2011; Nghị quyết số 07/2016/NQ-HĐND ngày 22/4/2016) mà ngành y tế Yên Bái đến nay cơ bản tháo gỡ được tình trạng thiếu nhân lực, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao.
Cụ thể, từ năm 2010 - 2018, đã đào tạo được 601 cán bộ đại học gồm: bác sĩ, dược sĩ hệ chính quy diện liên kết; bác sĩ, dược sĩ hệ liên thông; cử nhân điều dưỡng; đại học điều dưỡng chuyên ngành phụ sản; đại học xét nghiệm và đại học chẩn đoán hình ảnh; 292 người sau đại học; 4 tiến sĩ; 19 chuyên khoa cấp II; 24 thạc sĩ; 245 chuyên khoa cấp I. Ngoài ra, còn đào tạo chuyên khoa định hướng, đào tạo chuyên sâu ngắn hạn cho gần 700 lượt cán bộ.
Cùng đó, ngành y tế được sự quan tâm của tỉnh, Bộ Y tế đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; nhờ đó, chất lượng các dịch vụ y tế được được nâng cao, cơ bản đáp ứng với yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong cả 2 lĩnh vực phòng bệnh, khám, chữa bệnh.
Trong lĩnh vực phòng bệnh, với phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngành thường xuyên triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hệ thống giám sát dịch đảm bảo hoạt động thông suốt, liên tục từ tỉnh đến cơ sở, chủ động phát hiện dịch sớm, chống dịch hiệu quả.
Mặt khác, công tác xử lý, thanh khiết môi trường, khắc phục hậu quả do thiên tai, mưa lũ triển khai kịp thời. Chú trọng tiêm chủng mở rộng, ưu tiên đầu tư cho phát triển kỹ thuật cao về y tế dự phòng, tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng phòng xét nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025:2017.
Đến nay, có 66 chỉ tiêu xét nghiệm nước, thực phẩm, môi trường đạt chuẩn ISO. Các kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán được nhiều loại vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm, góp phần thành công trong khống chế, đẩy lùi dịch bệnh từ nhiều năm nay. Các chương trình mục tiêu y tế - dân số được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.
Duy trì mức giảm sinh 0,1%, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh 0,2%; giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh là 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái, đạt so với chỉ tiêu kế hoạch. Công tác an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, hiệu quả thông qua các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát phối hợp liên ngành... đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng triển khai có nề nếp.
Cùng đó, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã, xây dựng mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Đặc biệt, hoàn thành mô hình điểm tại 3 xã của huyện Trấn Yên. Triển khai lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, hộ gia đình, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã đạt kết quả bước đầu rất tốt.
Làm tốt công tác xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay đạt 126 xã (70%), vượt 2 xã so với nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Công tác khám, chữa bệnh (KCB) đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng các dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Từ đào tạo nâng cao trình độ cán bộ, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ đến xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp - an toàn, chất lượng dịch vụ được nâng lên rõ rệt. Nhiều ca bệnh khó được chẩn đoán và điều trị thành công bằng những phương pháp mới, kỹ thuật chuyên sâu ngay tại tỉnh.
Riêng năm 2019, toàn ngành triển khai mới được 126 kỹ thuật, trong đó, có 76 kỹ thuật lâm sàng, 50 kỹ thuật cận lâm sàng. Điểm bình quân chất lượng bệnh viện trên toàn tỉnh là 3,12 điểm, tăng 0,11 điểm so với năm 2018; tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú tăng từ 94,2% năm 2018 lên 95,2% năm 2019.
Thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế tài chính y tế của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đến nay, ngành y tế đã tiến hành tự chủ 15/15 đơn vị KCB với tỷ lệ tự chủ trung bình là 85% kinh phí chi thường xuyên, trong đó, có 6 đơn vị tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên.
Sau 3 năm thực hiện, đã góp phần giảm cấp từ ngân sách nhà nước để chi thường xuyên gần 200 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn kinh phí dư ra từ việc tự chủ này được tỉnh quan tâm đầu tư trở lại cho ngành y tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Thực tế cho thấy, nhờ giao tự chủ mà các đơn vị đã cải thiện đáng kể bộ mặt của các cơ sở y tế, sắp xếp ngăn nắp, trật tự, thủ tục nhanh chóng không gây phiền hà, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh, khuôn viên bệnh viện xanh - sạch - đẹp, chất lượng KCB được nâng cao. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được thực hiện hiệu quả.
Lãnh đạo Sở Y tế tham quan hệ thống chụp mạch số hóa nên DSA tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
Năm 2019 thực hiện cắt giảm 35 thủ tục hành chính theo quy định của Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2018, Sở Y tế đứng thứ nhất trong 20 sở, ban, ngành, tăng 6 bậc so với năm trước.
Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả toàn ngành từ tỉnh đến cơ sở và trong năm đã triển khai đồng loạt phần mềm quản lý y tế cơ sở, hồ sơ quản lý sức khỏe đến các xã, phường, thị trấn.
Mặc dù vậy, so với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới thì tỉnh ta vẫn còn nhiều những hạn chế, khó khăn, thách thức: thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, chưa có các chuyên gia đầu ngành các chuyên khoa, bất cập về cơ cấu, không cân đối về phân bố cán bộ.
Chất lượng các dịch vụ y tế chưa đồng đều ở các vùng, miền, đặc biệt là chất lượng y tế xã còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế vẫn còn bất cập, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn so với mặt bằng chung.
Cơ chế chính sách còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ. Thời gian tới, với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành y tế tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:
Triển khai hiệu quả "Đề án Xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới”, nhân rộng mô hình trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình; duy trì và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Tổ chức thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, an toàn vệ sinh thực phẩm, các vấn đề y tế công cộng, các chương trình mục tiêu y tế, đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình theo hướng chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang chất lượng, quy mô, cơ cấu dân số.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB hướng tới sự hài lòng của người bệnh gồm: Tăng cường đào tạo và đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, tranh thủ các đề án hợp tác với các bệnh viện Trung ương và quốc tế để đào tạo cán bộ theo hình thức cầm tay chỉ việc, đào tạo theo gói kỹ thuật. Tranh thủ đề án thu hút nguồn nhân lực của tỉnh để cử cán bộ đi đào tạo dài hạn, chuyên sâu; tranh thủ Dự án "Đào tạo nhân lực phục vụ cải cách hệ thống y tế của Bộ Y tế”; triển khai đề án cải tiến chất lượng bệnh viện một cách đồng bộ, liên tục.
Quản lý chất lượng bệnh viện phải được coi là hoạt động cốt lõi của bệnh viện; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, đẩy mạnh công tác tự chủ về tài chính, xã hội hóa trong các cơ sở KCB; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế, xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp.
Coi môi trường bệnh viện là một yếu tố góp phần tăng hiệu quả điều trị, giảm nhẹ đau đớn cho người bệnh. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành từ tỉnh đến xã. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử theo chỉ đạo của Bộ Y tế, từng bước xây dựng bệnh viện thông minh, y tế thông minh.
Nhìn lại những chặng đường đã qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song cán bộ ngành y tế Yên Bái luôn tự hào về những thành tích đạt được và sẽ tiếp tục đoàn kết, vững bước vượt qua khó khăn, ra sức thi đua, phấn đấu vì mục tiêu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân; khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Lương y phải như từ mẫu”, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái