Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp của Yên Bái là tăng dần tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp, nhằm hình thành cơ cấu lao động hợp lý, phù hợp với sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế…
Trong những năm qua, cơ cấu lao động nông nghiệp trong tỉnh đã chuyển dịch mạnh sang phi nông nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh đã giảm từ 68,18% năm 2016, xuống còn 64,8% năm 2018, giảm 3,38%.
Tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp như: Chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định 09/2017 của UBND tỉnh.
Nghị quyết số 35-NQ/2018/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số nội dung chủ yếu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020; Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020; Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2025 theo Nghị quyết 08/2018/NQ-HĐND; Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 625/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020…
Các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được tập trung thực hiện đồng bộ. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được đẩy mạnh. Năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh ước thực hiện đạt trên 60% kế hoạch, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo ước đạt 29,4%. Số lao động được tạo việc làm mới ước đạt 20.500 lao động, tăng 11,7% so với năm 2018, tức là tăng thêm 2.150 lao động có việc làm; tuyển mới và đào tạo nghề cho 30.000 người. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, đã có 5.300 lao động chuyển từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp. Hết năm 2019, tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh ước còn trên 61%.
Đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp trên địa bàn theo định hướng phát triển của tỉnh, trên quan điểm chỉ đạo: chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp phải thúc đẩy được sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; phải tạo điều kiện phát huy được những lợi thế so sánh của từng lĩnh vực, từng vùng, gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khả năng triển khai áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, giảm bớt khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Chuyển dịch cơ cấu lao động phải gắn với sự phát triển của các khu đô thị, các vùng kinh tế trong tỉnh và của khu vực, gắn với sự phân công, hợp tác lao động trong tỉnh, trong khu vực và của cả nước. Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” đặt mục tiêu đến năm 2025, bình quân mỗi năm chuyển dịch 2% lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tương ứng với khoảng 6.600 lao động/năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp năm 2025 còn khoảng 51,9%.
Để thực hiện được những mục tiêu này, tỉnh đã đề ra 8 giải pháp. Theo đó, chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp, đào tạo nâng cao chất lượng lao động cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và thị trường lao động ngoài tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đào tạo nghề cho cho 82.500 lao động, trong đó đào tạo nghề cho lao động lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm 35 - 40%; tăng cường dạy nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh và nhu cầu thị trường lao động; xây dựng kế hoạch đào tạo và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Liên kết hợp tác giữa các trung tâm giới thiệu việc làm với các khu công nghiệp, doanh nghiệp.
Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, giải quyết việc làm cho 90 nghìn lao động; xây dựng chính sách đào tạo, giải quyết việc làm phù hợp theo từng vùng, từng ngành, từng nhóm đối tượng. Trong đó, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô vừa và lớn như các vùng trồng, chế biến chè tại Văn Chấn; sản xuất, chế biến măng tre Bát độ tại Trấn Yên, Yên Bình; phát triển vùng cây ăn quả có múi tại Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình… Mỗi năm thu hút khoảng từ 500 - 1.000 lao động chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Đối với lao động thuộc các vùng tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ như Khu công nghiệp phía Nam, Khu công nghiệp Âu Lâu, Khu công nghiệp Minh Quân, Khu công nghiệp Mông Sơn và các cụm công nghiệp, có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động chuyển đổi nghề, phấn đấu mỗi năm chuyển dịch khoảng 2.000 - 3.000 lao động nông nghiệp sang làm việc ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Với các địa phương có tỷ lệ lao động cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên…, mỗi năm chuyển dịch từ 1.600 - 2.500 lao động thông qua các chính sách đặc thù hỗ trợ lao động tham gia xuất khẩu, lao động làm việc ngoài tỉnh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề trường phổ thông; chú trọng công tác hướng nghiệp, thực hiện phân luồng, liên thông trong giáo dục, đào tạo.
Tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo nghề, khuyến khích các cơ sở giáo dục dạy nghề ngoài công lập và doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; từng bước thực hiện cơ chế tự chủ, đặt hàng trong đào tạo nghề..., năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu tuyển mới và đào tạo nghề cho khoảng 18.000 người; phấn đấu chuyển dịch khoảng 2%, tương đương 5.500 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Minh Thúy