Mù Cang Chải: Nghị quyết 30a thúc đẩy giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/5/2020 | 8:43:17 AM

YênBái - Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của các ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sau 11 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, vùng cao huyện Mù Cang Chải đã có nhiều khởi sắc.

Người dân huyện Trạm Tấu tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Người dân huyện Trạm Tấu tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ, hàng năm, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện nguồn vốn, phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên, phối hợp với các xã, thị trấn triển khai các hạng mục được đầu tư, hỗ trợ, đảm bảo đúng định mức, đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách. 

Hệ thống văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a được ban hành đầy đủ cho việc triển khai các dự án, tiểu dự án đến tất cả các xã, thị trấn. Hàng quý, hàng năm đều tổ chức kiểm tra, đánh giá sơ, tổng kết. Các công trình được đầu tư đã phân cấp, trao quyền cho địa phương trên tinh thần phát huy vai trò tham gia giám sát của cộng đồng và người dân. 

Những công trình cần thiết trước mắt để phục vụ nhân dân như điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi và hỗ trợ công cụ sản xuất… được ưu tiên đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2009 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư theo Nghị quyết số 30a trên địa bàn huyện đạt 352 tỷ 798 triệu đồng, trong đó: vốn đầu tư phát triển 332 tỷ 530 triệu đồng, vốn sự nghiệp 20 tỷ 268 triệu đồng. 

Huyện đã thực hiện đầu tư 95 công trình với tổng kinh phí thực hiện 307 tỷ 514 triệu đồng, trong đó có những công trình vốn đầu tư lớn như đường xã Nậm Khắt, kinh phí trên 3,2 tỷ đồng; đường xã Hồ Bốn, kinh phí trên 6,5 tỷ đồng; đường xã Kim Nọi, kinh phí trên 4,9 tỷ đồng; thủy lợi xã Lao Chải, kinh phí trên 2,3 tỷ đồng; thủy lợi xã Kim Nọi, kinh phí trên 1,4 tỷ đồng; thủy lợi xã Chế Tạo, kinh phí trên 3,5 tỷ đồng; thủy lợi xã Dế Xu Phình, kinh phí gần 2 tỷ đồng… 

Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện thực hiện hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng diện tích 221.613 ha, kinh phí trên 45 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh phí trên 57 tỷ đồng (hỗ trợ trồng 16.420 ha lúa, ngô, kinh phí trên 30 tỷ đồng; hỗ trợ phân bón 7.371 ha lúa, ngô, kinh phí trên 11 tỷ đồng; hỗ trợ 1.720 con gia súc, kinh phí trên 12 tỷ đồng; hỗ trợ làm chuồng chăn nuôi, kinh phí trên 2,6 tỷ đồng; hỗ trợ 218 máy cày, máy bừa, kinh phí trên 2,1 tỷ đồng)… cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có đời sống khó khăn. 

Cùng đó, từ năm 2009 đến nay, 1.561 hộ nghèo trên địa bàn huyện còn được hỗ trợ về nhà ở, kinh phí gần 40 tỷ đồng; 93.299 lượt hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tiền điện, kinh phí trên 33 tỷ đồng. Người nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế và các chính sách hỗ trợ học sinh về chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa, trợ giúp pháp lý miễn phí, hỗ trợ về đào tạo nghề…

Từ triển khai hiệu quả các chương trình, dự án Nghị quyết 30a góp phần hàng năm huyện trung bình giảm 6,58% hộ nghèo. Đặc biệt năm 2019 vừa qua, huyện Mù Cang Chải đã giảm 11,04% hộ nghèo, tương đương với 1.136 hộ thoát nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện nay xuống còn 40,62%. 

Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Hàng năm, các dự án được triển khai đều phát huy tốt hiệu quả sử dụng, giúp người nghèo, cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, nước sạch, thông tin… đã góp phần để người dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội, làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn miền núi… Nhân dân mong muốn Chương trình 30a tiếp tục kéo dài để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và miền núi, giúp huyện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững theo kế hoạch đề ra”.

Thái Hưng

Tags Mù Cang Chải Nghị quyết 30a giảm nghèo bền vững

Các tin khác
Mô hình trồng phong lan của anh Lò Văn Dũng, thôn Bản Xa, xã Nghĩa Lợi mang lại hiệu quả cao.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid - 19, cùng với sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, người dân thị xã Nghĩa Lộ vẫn tích cực xây dựng các mô hình dân vận khéo (DVK) trong phát triển kinh tế để có nguồn thu nhập và đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của thị trường.

Công nhân Đội xúc hót, Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái thu gom rác tại điểm tập kết.

Công việc không thể làm trực tuyến, những công nhân vệ sinh môi trường đều hiểu, đã chọn nghề này phải chấp nhận hy sinh. Sự hy sinh ấy còn lớn hơn nữa giữa mùa dịch Covid-19 khi phải đối mặt thêm nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe.

Giữa lằn ranh giới sự sống và cái chết, nhà nhiếp ảnh Lê Gia Huấn với “vũ khí” là chiếc máy ảnh AZEX 1A trong tay chấp nhận hiểm nguy để có được bộ ảnh “độc” về quân dân Yên Bái kiên cường, dũng cảm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bằng đường không giai đoạn 1965-1972 đi vào lịch sử.

Tổng đài 111 sẽ tiếp nhận, giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Nhằm thúc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục