Và mới đây, bộ Kit chẩn đoán này của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sau khi trải qua 5 vòng thử nghiệm và đánh giá nghiêm ngặt. Còn trước đó, Vương quốc Anh cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu và chứng nhận lưu hành tự do cho bộ sinh phẩm này.
Với việc nhận được sự chấp thuận của các tổ chức quốc tế, giúp bộ Kit chẩn đoán Covid-19 của Việt Nam dễ dàng được xuất khẩu ra các nước trên toàn thế giới, nhưng xa hơn, như khẳng định của các chuyên gia, từ thành công này, còn mở ra cơ hội để các sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán bệnh khác "made in Vietnam” bước ra thị trường quốc tế.
Bộ sinh phẩm (bộ Kit) chẩn đoán Covid-19 do các nhà khoa học tại Học viện Quân y nghiên cứu, Công ty CP công nghệ Việt Á tiến hành sản xuất trên cơ sở đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm Real-time RT-PCR và RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2” do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch tại Việt Nam. Bộ Kit đã được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại - tương đương bộ sinh phẩm do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới sản xuất.
Theo GS.TS Lê Bách Quang- Ban chủ nhiệm chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước lĩnh vực y dược KC.10, với việc bộ Kit đã được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận và đưa vào quy trình đánh giá khẩn cấp, Cơ quan Y tế và chăm sóc xã hội của Anh chứng nhận lưu hành tự do, đã chứng minh trình độ khoa học và năng lực làm chủ công nghệ sản xuất của nước ta ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới.
GS. Lê Bách Quang cũng nhấn mạnh, điều này còn mở ra cơ hội xuất khẩu ra thị trường toàn cầu- không chỉ đối với bộ Kit chẩn đoán COVID mà còn với cả các bộ sinh phẩm y tế chẩn đoán bệnh khác, thậm chí là các sinh phẩm y tế giúp chẩn đoán bệnh hiểm nghèo.
"Trong khi một số nước như Mỹ thì đã phải dừng lại một số bộ kit ở một số bang do một số lỗi kỹ thuật, thì Việt Nam lại được đánh giá cao về bộ kit này. Điều này cho thấy trình độ nghiên cứu của ta cũng không tụt hậu so với các nước phát triển. Và điều này cũng chứng tỏ rằng, nếu như chúng ta có sự kết hợp giữa các nhà khoa học, với các nhà quản lý, và doanh nghiệp thì chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để xuất khẩu các sinh phẩm y tế giúp cho việc chẩn đoán sớm các bệnh, không chỉ là bệnh truyền nhiễm mà còn cả các bệnh hiểm nghèo khác nữa.", GS Quang chia sẻ.
Đồng quan điểm về tiềm năng sản xuất các bộ sinh phẩm y tế chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, ông Trịnh Thanh Hùng- Phó vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và công nghệ) cho rằng, các bộ sinh phẩm y tế chẩn đoán bệnh của Việt Nam được nghiên cứu và sản xuất trên cơ sở quy trình công nghệ hết sức nghiêm ngặt và dây chuyền sản xuất đạt chuẩn, và không phải đơn vị nghiên cứu, sản xuất nào cũng có thể đáp ứng được.
Do đó, để hiện thực hóa tiềm năng xuất khẩu các bộ sinh phẩm y tế chẩn đoán bệnh khác, ông Hùng cũng cho rằng, các cơ sở y tế, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam phải tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ, đầu tư dây chuyền trang thiết bị sản xuất hiện đại.
"Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực hấp thu công nghệ, để chuyển hóa thành sản phẩm, bởi các nghiên cứu của các nhà khoa học thường ở quy mô phòng thí nghiệm. Do đó để đưa vào sản xuất thì các doanh nghiệp phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ trên quy mô sản xuất lớn, và điều nay đòi hỏi doanh nghiệp phải có trình độ kỹ thuật cao, có năng lực chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại, phải được đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn. Qua sự kiện này, với năng lực làm chủ công nghệ của các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nước thì tiềm năng để nghiên cứu phát triển các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, để xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cho đất nước là hoàn toàn khả thi.", ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, để các sản phẩm của Việt Nam sớm ra được thị trường, cũng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành khi có chiến lược đầu tư bài bản, cũng như tạo thuận lợi trong việc thử nghiệm, đánh giá, cấp phép cho các sản phẩm.
Trên thực tế, với bộ Kit chẩn đoán Covid-19, đây là sự đầu tư dài hơi, bài bản ngay từ nhiều năm trước của ngành khoa học và công nghệ khi triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu cấp Quốc gia như nghiên cứu Kit phát hiện Ebola, kit phát hiện bệnh lao, kit phát hiện lao kháng thuốc…./.
(Theo VOV)