Trong thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn huyện Lục Yên, duy trì học tập ngay từ bậc mầm non, các cô giáo đã thực hiện các video ngắn, thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo để phụ huynh học sinh hướng dẫn con em mình học tập, trải nghiệm tại nhà.
Đăc biệt, có những trường học vùng cao ngoài thực hiện những video hướng dẫn bằng tiếng phổ thông, các cô còn thực hiện cả bằng tiếng dân tộc thiểu số để phụ huynh dễ hiểu, dễ nắm bắt hơn, từ đó vận dụng vào việc chăm sóc, hướng dẫn trẻ vui chơi, học tập thuận lợi, hiệu quả, góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở địa phương.
Từ những quay phim bất đắc dĩ...
Có mặt tại một buổi quay video hướng dẫn kỹ năng cho trẻ trong thời gian nghỉ ở nhà của các cô giáo Trường Mầm non Hồng Ngọc, huyện Lục Yên chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự sáng tạo của các cô. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh nhiều nội dung giáo dục trẻ đã được các cô truyền tải một cách khéo léo, sinh động, thu hút trẻ xem và làm theo.
Thông qua những video được các cô đăng tải trên mạng Facebook, qua nhóm Zalo các lớp nhằm chia sẻ, đồng hành với phụ huynh học sinh khi các con nghỉ học. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ thực hiện chế độ dinh dưỡng, tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ để tăng cường thể lực trong thời gian học tập tại nhà.
Cả quãng thời gian trẻ không đến trường nhưng cô Nguyễn Thị Hậu, giáo viên Trường Mầm non Hồng Ngọc vẫn thường xuyên có mặt tại trường. Cùng với một đồng nghiệp khác, hai cô đã tự chuẩn bị vật liệu, đồ dùng, đồ chơi rồi quay video đẩy lên nhóm Zalo, Facebook lớp mình phụ trách để hướng dẫn trẻ học tập, vui chơi trong thời gian nghỉ ở nhà.
Cô Hậu cho biết: "Chuẩn bị các nguyên vật liệu, làm các đồ dùng, đồ chơi không khó mà cái khó nhất là kỹ năng sử dụng điện thoại để quay video và việc cắt gọt, chỉnh sửa video làm sao cho hình ảnh đẹp, âm thanh rõ ràng trong khi trang thiết bị còn thiếu thốn”.
Mặc dù vậy, với lòng yêu nghề, mến trẻ các cô đã mày mò tự học, khắc phục trở ngại, thực hiện những video học tập ý nghĩa, thiết thực và được sự đón nhận của trẻ cũng như các phụ huynh.
.... Đến những video song ngữ ở trường vùng cao
Phúc Lợi là xã vùng 3 của huyện Lục Yên có đông đồng bào dân tộc Dao trắng sinh sống, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều bậc phụ huynh chưa nói sõi tiếng phổ thông nên ảnh hưởng nhiều đến việc chăm sóc, hướng dẫn trẻ ở lứa tuổi mầm non. Nhằm hỗ trợ phụ huynh trong việc chăm sóc, hướng dẫn trẻ học tập, vui chơi tại nhà, các cô giáo Trường Mầm non Phúc Lợi đã thực hiện các video rồi gửi lên Facebook, Zalo các nhóm lớp.
Điều đặc biệt ở những video mà các cô giáo mầm non xã Phúc Lợi thực hiện là ngoài những video hướng dẫn bằng tiếng phổ thông, các cô còn thực hiện các video bằng tiếng Dao để phụ huynh dễ hiểu, dễ nắm bắt hơn từ đó vận dụng vào việc chăm sóc, hướng dẫn trẻ vui chơi, học tập được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Cô Lý Thị Thu - Trường Mầm non xã Phúc Lợi, cho biết: "Lúc mới thực hiện các video, chúng tôi còn cảm thấy lúng túng, có những video phải quay đi, quay lại nhiều lần. Tuy nhiên, sau vài video là quen nên việc thực hiện trở lên dễ dàng hơn”.
Mỗi tuần, Trường Mầm non Phúc Lợi thực hiện được 13 video để hướng dẫn trẻ vui chơi, học tập tại nhà. Việc thực hiện những video bằng tiếng Dao được nhiều phụ huynh đồng tình, đã tích cực phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, hướng dẫn trẻ học tập.
Cô Trần Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phúc Lợi cho biết thêm: "Nhà trường cũng có những cô giáo là người dân tộc thiểu số, là đồng bào Dao trắng nên rất thuận lợi trong việc thực hiện video bằng 2 ngôn ngữ. Ở mỗi video chúng tôi cũng lồng ghép các chương trình tăng cường tiếng Việt cho trẻ, đặc biệt đối với trẻ 4, 5 tuổi để các con sẵn sàng bước vào lớp 1. Với những phụ huynh ở vùng xa, không có thiết bị và không có mạng Internet nhà trường tích cực tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ đến gia đình có thiết bị, có mạng Internet để cùng theo dõi, học tập”.
Chị Phùng Thị Thanh Thủy, thôn 3 Túc, xã Phúc Lợi chia sẻ: "Những video mà các cô giáo gửi rất bổ ích, ý nghĩa, các con rất thích xem và học theo. Tôi rất đồng tình với việc làm của các cô”.
Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trẻ em vùng cao không thể đến lớp, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên đã chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn triển khai các giải pháp nhằm duy trì học tập với phương châm "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.
Ở bậc tiểu học và trung học cơ sở thì triển khai học qua các phần mềm trực tuyến hoặc giao bài trực tiếp cho học sinh. Đối với bậc mầm non, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức hoạt động dạy trẻ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Các cô giáo mầm non đã thực hiện những clip ngắn gọn với thời lượng từ 3 đến 5 phút để vừa gắn kết các cô giáo với trẻ và phụ huynh, vừa giúp trẻ có thêm những hoạt động bổ ích trong những ngày nghỉ học.
Nội dung chuyển tải ở mỗi nhóm lớp được thực hiện khác nhau để phù hợp với lứa tuổi của trẻ, tuy nhiên đều tập trung vào hai nội dung chính là kỹ năng sống cho trẻ như: rửa tay, đánh răng, gấp đồ dùng, quần áo, chăn màn; phòng tránh tai nạn thương tích và nội dung giáo dục như: tập nói, nhận biết các con vật, hát, kể chuyện, đọc thơ, tô màu, học các con số, bảng chữ cái; ở những trẻ lớn hơn có thể hướng dẫn tự làm đồ chơi, làm bánh, giáo dục thể chất...
Ông Hoàng Văn Ngàn - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên cho biết: "Đến nay, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn huyện đều thực hiện quay các video hướng dẫn, học tập cho trẻ tại nhà và nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc học online cho đến khi có thông báo cho học sinh trở lại trường học”.
Có thể thấy, với việc xây dựng thực hiện video cho trẻ mầm non trong thời gian tạm nghỉ đến trường, đặc biệt có những trường học vùng cao thực hiện bằng 2 ngôn ngữ thật sự phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, không chỉ giúp trẻ duy trì học tập, phát triển thế giới quan một cách hiệu quả nhất mà con nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh ở vùng cao quan tâm hơn việc chăm sóc sức khỏe, vui chơi, học tập của con em mình.
Anh Dũng