Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lô ở xã Văn Phú sinh được 7 người con, trong đó có 2 con hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là liệt sĩ Trần Văn Lâm và Trần Bình Long đều hy sinh anh dũng ở độ tuổi 18, đôi mươi. Mẹ Nguyễn Thị Lô năm nay 90 tuổi, sức khỏe đã kém, tóc đã bạc, da đã đồi mồi song ký ức về hai người con trai đã nằm lại chiến trường thì vẫn đong đầy.
Mỗi lần nhớ về 2 người con đã hy sinh vì độc lập của dân tộc đôi mắt mẹ lại rưng rưng… Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lô xúc động chia sẻ: "Hy sinh mất mát của mẹ chẳng thấm vào đâu, tất cả cũng vì độc lập cho Tổ quốc. Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, mẹ rất vui. Đảng, chính quyền các cấp rất quan tâm chăm lo đến đời sống, thường đến tặng quà cho mẹ nhân dịp lễ, tết, nhất là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, ngày 30/4 và ngày 22/12”.
Mẹ VNAH Vũ Thị Thiệp, hiện đang cư trú tại tổ 3, phường Hợp Minh, có chồng và con trai là liệt sĩ Mẹ Thiệp luôn gương mẫu vận động con cháu và cộng đồng dân cư thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương.
Gia đình mẹ hàng năm đều đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Con cháu mẹ nhiều người là cán bộ, đảng viên gương mẫu hoặc là những điển hình sản xuất, lao động, học tập ở địa phương. Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể phường Hợp Minh cũng thường xuyên quan tâm, động viên mẹ sống vui, sống khỏe, sống có ích cùng con cháu.
Ông Tống Xuân Toản - Bí thư Đảng ủy phường Hợp Minh cho biết: "Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt chế độ chính sách với người có công, chăm lo, phụng dưỡng cho Mẹ VNAH. Đó là trách nhiệm cao cả của thế hệ hôm nay dành tặng các mẹ trước những hy sinh và cống hiến lớn lao cho Tổ quốc.”
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ cứu nước và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc, thành phố Yên Bái đã có hàng nghìn người con ưu tú hăng hái tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng.
Trong số những người lính ấy có rất nhiều người đã không trở về. Họ đã hy sinh tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc để lại hậu phương những người mẹ, người vợ âm thầm chịu biết bao đau thương, mất mát và hy sinh.
Giờ đây khi chiến tranh đã lùi xa, thế hệ hôm nay được sống trong thời bình luôn khắc ghi những công lao to lớn, những mất mát hy sinh lớn lao của các mẹ đã có chồng, con hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Để tỏ lòng tri ân với những cống hiến, hy sinh của các mẹ, 5 năm trở lại đây thành phố Yên Bái đã phát động phong trào phụng dưỡng Mẹ VNAH và nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Thành phố có 47 mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH, trong đó có 2 mẹ hiện còn sống.
Gia đình các mẹ hiện đều có mức sống từ trên trung bình trở lên so với mức thu nhập của địa phương. Thành phố xây dựng kế hoạch vận động các tổ chức nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH còn sống trên địa bàn. Công đoàn cơ quan chính quyền thành phố Yên Bái, Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Yên Bái nhận phụng dưỡng, chăm sóc các mẹ, duy trì hỗ trợ mỗi mẹ số tiền 1 triệu đồng/tháng.
Hàng tháng, hàng quý các đơn vị, tổ chức đều xuống thăm hỏi, trao quà các mẹ và gia đình. Những việc làm ý nghĩa đó đã thể hiện sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đối với những hy sinh lớn lao của các mẹ.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước có được độc lập tự do như ngày hôm nay chúng ta đời đời ghi nhớ những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của các Mẹ VNAH. Bởi vậy, việc thực hiện tốt phong trào chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH ở thành phố Yên Bái hôm nay l việc làm đầy tính nhân văn.
Anh Dũng