Trong 2 năm 2018 - 2019, Cuộc thi đã thu hút hàng nghìn bạn trẻ trong huyện tham gia. Mỗi ý tưởng khởi nghiệp là một ước mơ, một khát khao của tuổi trẻ mong muốn được khẳng định sức sáng tạo của bản thân, góp sức xây dựng quê hương.
Ý tưởng sản xuất máy cấy lúa mang thương hiệu Huỳnh Phát của Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 1993 ở thôn Đại Thịnh, xã An Thịnh được nung nấu từ thực tiễn sản xuất trên đồng ruộng. Ý tưởng xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên huyện Văn Yên năm 2018.
Giới thiệu về dòng sản phẩm mới của mình, Nguyễn Văn Huỳnh cho biết, đây là dòng sản phẩm có tính năng mới, hiệu quả nổi bật, chất lượng tốt, giá thành hợp lý, giảm sức lao động, rút ngắn thời gian lao động, hiệu quả gấp từ 8 - 12 lần so với cấy thủ công.
Máy cấy Huỳnh Phát có 2 loại gồm: máy cấy 5 hàng và máy cấy 8 hàng, hoạt động hoàn toàn không sử dụng đến động cơ máy nổ hay điện, giảm chi phí sản xuất, máy sản xuất từ vật liệu inox, sắt, tôn, nhựa cứng nên độ bền tốt. Máy được dùng bằng sức người kéo, tuy nhiên được thiết kế gọn nhẹ nên lực ma sát kéo chỉ khoảng 3,5 kg đến 5,8 kg, phụ thuộc vào ruộng nhiều nước hay ít nước.
Do vậy, phụ nữ hay những người có sức khỏe hạn chế cũng có thể sử dụng và vận chuyển dễ dàng. Máy cấy lúa Huỳnh Phát được nghiên cứu khắc phục những hạn chế của một số máy cấy cùng loại khác lưu thông trên thị trường nên khắc phục được những lỗi thường gặp, do vậy, hiệu quả trong quá trình cấy. Máy có trọng lượng từ 16,5 kg đến 26,8 kg và kích thước rộng từ 100 - 160 cm, chiều cao 65 cm nên khi vận chuyển lên những thửa ruộng có bờ cao hay ruộng bậc thang cũng dễ dàng.
Ngoài ra, máy cấy lúa Huỳnh Phát còn được thiết kế chống tràn nước và bùn, vì vậy, trong quá trình sử dụng máy không bị lún thụt, thao tác quay đầu máy linh hoạt, sử dụng ở những thửa ruộng thụt sâu vẫn có thể hoạt động tốt. Hơn nữa, giá thành thấp nhất (6,3 triệu đồng) so sánh với các dòng máy cấy cùng loại, đây là một lợi thế lớn để cạnh tranh.
Dự án Phát triển mô hình tổ hợp tác sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế; sản xuất đồ chơi trẻ em bằng gỗ từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương của đoàn viên Nguyễn Hải Quân ở thị trấn Mậu A xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, kinh nghiệm và điều kiện sẵn có của gia đình.
Anh Quân cho biết: "Thuận lợi ban đầu là gia đình có nghề mộc và có xưởng tại nhà, địa phương có nguồn gỗ rừng và gỗ quế dồi dào. Thuận lợi tiếp theo là cơ sở sản xuất của tôi gần với cao tốc Nội Bài - Lào Cai nên việc vận chuyển hàng hóa khá tiện lợi".
Nhìn về tiềm năng, hiện nay, trên địa bàn huyện có 40.000 ha, là vùng nguyên liệu lớn về quế, sản phẩm chủ yếu xuất thô và chiết xuất tinh dầu. Diện tích gỗ rừng trồng cũng có tới 213.940 ha là nguồn nguyên liệu lớn cho việc sản xuất các sản phẩm từ vỏ quế và đồ chơi, đồ dùng bằng gỗ.
"Chúng tôi mong muốn tăng giá trị cho chính sản phẩm lâm nghiệp của địa phương", người thanh niên này mong muốn sản xuất được sản phẩm giá thành phải chăng, cạnh tranh được với đồ chơi nhựa; sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường, giúp phát triển trí tuệ, thể chất cho trẻ em, hạn chế được những độc hại từ đồ chơi điện tử. Dự án thành công sẽ tạo việc làm cho 7 lao động, thu nhập ổn định 4 triệu đồng/tháng, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.
Đó chỉ là 2 trong số hơn 100 ý tưởng tham gia Cuộc thi. Chị Lê Thị Thu Hương - Phó Bí thư Huyện đoàn bộc bạch: "Cuộc thi được mở ra trong 2 năm qua thực sự là sân chơi sáng tạo của tuổi trẻ. Cuộc thi đã thu hút 100% các cơ sở đoàn trên toàn huyện tham gia. Một số đơn vị có nhiều ý tưởng, dự án tham gia như: Đoàn Trường THPT Nguyễn Lương Bằng, Đoàn Trường THPT Chu Văn An, Đoàn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Đoàn xã Đại Phác…
Các ý tưởng, dự án thuộc nhiều lĩnh vực, tập trung khai thác lợi thế kinh tế nông lâm nghiệp, giá trị bản sắc văn hóa của địa phương như: ý tưởng phát triển giống vịt cổ xanh đặc trưng; mô hình trồng nấm sò trên rơm theo hình thức bán công nghiệp; nông nghiệp xanh gắn với chuỗi giá trị; chăn nuôi lợn sạch; quảng bá thương hiệu quế thông qua sản phẩm thủ công mỹ nghệ; phát triển trồng cây thuốc nam gắn với bảo tồn nghề thuốc nam gia truyền của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Văn Yên…
Nhiều ý tưởng, dự án có tính khả thi cao, có thể áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Tuổi trẻ Văn Yên luôn mong muốn được khẳng định sức sáng tạo của bản thân, góp sức xây dựng quê hương. Và thành công ấy chắc chắn sẽ đến với họ sớm hơn khi có sự đồng hành của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh.
Minh Thúy