Những bệnh phổ biến ở trẻ em mùa nắng nóng gồm: tiêu chảy, nhất là tiêu chảy cấp. Mùa hè là mùa bùng phát và dễ mắc bệnh tiêu chảy là do nắng nóng thức ăn dễ bị ôi thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy, trẻ hay khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh.
Thời tiết nắng nóng nếu thức ăn không được bảo quản kỹ, đúng cách và việc chế biến thức ăn cho trẻ không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ở trẻ em, nhất là môi trường học đường. Thời tiết oi bức cũng làm bùng phát những căn bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm mũi xuất tiết, viêm a-mi-đan, viêm VA…
Hầu hết nguyên nhân gây bệnh ở trẻ em dưới 5 tuổi là do nhiễm siêu vi trùng. Mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khuẩn khiến trẻ bị sốt, phát ban, nhức đầu, nhức mắt, biếng ăn, mệt mỏi hay lừ đừ vì trẻ thường bị sốt cao, một số trẻ có biểu hiện như buồn nôn hay nôn rất nhiều khiến cha mẹ rất lo lắng…
Bên cạnh những loại bệnh kể trên, mùa nắng nóng xuất hiện nhiều loại bệnh khác mà trẻ nhỏ dễ mắc như: thủy đậu (vẫn được xem là bệnh phổ biến ở trẻ em vì bệnh rất dễ lây lan cho trẻ qua con đường hô hấp); nhóm bệnh sởi - quai bị - rubella: cũng giống như bệnh thủy đậu, nhóm bệnh này cũng rất dễ lây lan qua đường hô hấp và được xem là nhóm bệnh "đến hẹn lại lên” thường phổ biến vào tầm tháng 2 đến tháng 6 hàng năm; bệnh viêm não Nhật Bản (còn gọi viêm não B); bệnh viêm màng não ở trẻ em…
Một số bệnh khác xảy ra quanh năm nhưng phát triển mạnh vào mùa hè như: tay chân miệng, sốt xuất huyết và các bệnh lý khác do thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao làm trẻ em thường bị chứng rôm sảy gây ngứa ngáy rất khó chịu, hoặc trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, vì cơ thể trẻ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở vì thời tiết nắng nóng.
Để phòng ngừa hiệu quả bệnh mùa nắng nóng cho trẻ, việc đầu tiên và cần thiết nhất chính là thực hiện tiêm phòng đầy đủ tất cả các loại vắc-xin theo khuyến cáo của ngành y tế. Cần lưu ý là việc tiêm phòng phải đúng, đủ và phù hợp với lứa tuổi. Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện rất thành công Chương trình tiêm chủng quốc gia và đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực y tế dự phòng, vì vậy phụ huynh cần cho con tiêm phòng đầy đủ.
Cùng với đó, người lớn cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như: rửa tay sạch sẽ - đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm, rửa tay được xem như "liều vắc xin miễn phí” cho mọi người.
Ăn uống hợp vệ sinh: việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Tạo môi trường sống trong lành và an toàn: giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm.
Phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Tăng cường lượng dịch uống: để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước đun sôi để nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và có sức đề kháng tốt nhằm chống chọi với bệnh tật.
Thực hiện tốt việc "nuôi con bằng sữa mẹ” cũng là biện pháp chủ động nâng cao sức đề kháng cho trẻ, nhất là trẻ nhũ nhi vì sữa mẹ ngoài dưỡng chất quan trọng còn có một lượng kháng thể rất dồi dào giúp trẻ phòng tránh bệnh tật.
Bác sĩ Nguyễn Thị Giang