Có thể nói, đây là những con số rất đáng buồn ở một đất nước pháp quyền và lực lượng công an chính là "thanh gươm” bảo vệ pháp luật, giữ gìn sự bình yên của cuộc sống.
Hành vi chống người thi hành công vụ được quy định rất cụ thể trong Bộ luật Hình sự với các mức xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tù rất nặng. Lý giải cho hiện tượng này chỉ có thể là đâu đó pháp luật chưa được thực thi nghiêm minh, người thi hành công vụ vì áp lực dư luận, vì chia sẻ với điều kiện, hoàn cảnh khó khăn của người dân nên đã bỏ qua những hành vi vi phạm của một số người dân.
Chuyện chị bán rau ở Quảng Ninh là một thí dụ điển hình, hành vi bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường đã vi phạm pháp luật, chưa kể thời điểm vi phạm đúng vào dịp đang thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19. Sau 4 lần nhắc nhở, xử lý, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ phương tiện vi phạm, rồi những gì xảy ra mọi người đều đã biết.
Một khía cạnh khác, chúng ta cũng không thể không nói tới là: những hành vi vi phạm pháp luật, điển hình nhất là lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm trật tự xây dựng, đất đai… Ai cũng hiểu rằng, cần phải lên án.
Tuy nhiên, khi vụ việc xảy ra không ít người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng lại gây áp lực với lực lượng thực thi nhiệm vụ; số khác sẵn điện thoại di động, chụp ảnh, quay phim để đưa lên mạng xã hội.
Thấy thế, nhiều người thậm chí chia sẻ, bình luận với những lời lẽ cực đoan, bịa đặt hòng bôi nhọ cơ quan, tổ chức thực thi chức trách, nhiệm vụ…
Có lần, tôi chứng kiến một thanh niên đi mô tô trên phố Hàng Bài, Hà Nội, anh ta không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ. Phát hiện đối tượng vi phạm, một cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe, thấy thế người vi phạm tăng ga lao thẳng về phía người cảnh sát để anh này tránh ra rồi bỏ chạy.
Cảnh sát giao thông được trang bị xe đặc chủng mà không đuổi người vi phạm; người vi phạm lao thẳng xe vào cảnh sát, nếu không tránh kịp thì chắc chắn tai nạn, có thể dẫn tới chết người, hành vi ấy đã nhanh chóng bị bỏ qua.
Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, mọi người dân đều được pháp luật bảo vệ và có nghĩa vụ chấp hành pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý, hành vi chống người thi hành công vụ, tấn công lực lượng công an là những biểu hiện coi thường pháp luật ở mức độ cao càng cần bị xử lý nghiêm.
Áp lực từ dư luận, từ các thế lực bên trong hay bên ngoài là không nhỏ nhưng không vì thế mà nương nhẹ với những hành vi vi phạm pháp luật. Xử lý vụ việc đúng pháp luật, tôn trọng sự thật, lẽ phải thì sẽ được dân ủng hộ.
Lê Tấn Đạt