Theo quan niệm truyền thống, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) gần như mặc nhiên được coi là trách nhiệm của người phụ nữ. Nhưng trong xã hội hiện đại, vấn đề nam giới tham gia thực hiện KHHGĐ đang được đặt ra ngày một rõ ràng để họ cùng chia sẻ với nữ giới trong nội dung này, cũng chính là cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc, sinh đẻ đúng kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Bởi thế, "Nam giới có trách nhiệm chia sẻ với nữ giới trong việc thực hiện KHHGĐ và nuôi dạy con cái” là một trong những thông điệp của Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay.
Trách nhiệm chia sẻ của nam giới với nữ giới trong thực hiện KHHGĐ và CSSKSS là việc nam giới sử dụng các biện pháp hiện đại nhằm thực hiện KHHGĐ đảm bảo không để có thai ngoài ý muốn để hạn chế hoặc giãn cách khoảng cách sinh con của vợ chồng. Việc nam giới chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ càng có ý nghĩa quan trọng khi người phụ nữ gặp khó khăn trong thực hiện các biện pháp tránh thai của nữ giới như gặp tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân... Cùng đó, nam giới cần thực hiện trách nhiệm chăm sóc, giữ gìn sức khỏe cho người phụ nữ khi họ mang thai và sau sinh.
Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, năm 2019, có 6.556 người thực hiện biện pháp triệt sản, chiếm 5,7% tổng số cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai; trên 16.200 người sử dụng biện pháp tránh thai bằng bao cao su, chiếm 14,1% tổng số cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại. 6 tháng đầu năm 2020, triệt sản có 6.060 người, chiếm 5,4%; sử dụng bao cao su là 16.346 người, chiếm 14,5% tổng số cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai. Điều đó cho thấy số lượng nam giới áp dụng các biện pháp KHHGĐ của nam giới là không nhiều.
Để tăng cường sự tham gia của nam giới trong việc thực hiện KHHGĐ, thời gian qua, ngành dân số tỉnh đã tích cực tuyên truyền, tư vấn cho nam giới các nội dung thiết yếu như: thay đổi tư tưởng sinh đông con hoặc muốn có con trai để "nối dõi tông đường”; khuyến khích nam giới chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; bảo đảm quan hệ tình dục an toàn; nâng cao vai trò của nam giới trong việc chăm sóc và nuôi dạy con...; tuyên truyền, vận động nam giới tới các cơ sở y tế để tư vấn về KHHGĐ và CSSKSS...
Chia sẻ của những người làm công tác dân số cho thấy thực tế quá trình truyền thông gia tăng nhận thức và thay đổi thái độ, hành vi của nam giới trong thực hiện các biện pháp KHHGĐ và CSSKSS còn gặp không ít khó khăn, trở ngại. CSSKSS, thực hiện KHHGĐ được xác định là hoạt động thực hiện cho cả hai giới. Song, dường như hầu hết các hoạt động này thường nghiêng về nữ giới và cũng đa phần là phụ nữ tham gia.
Việc tuyên truyền, vận động nam giới tới các cơ sở y tế để tư vấn về KHHGĐ và CSSKSS cũng không hề đơn giản vì phần lớn họ đều có suy nghĩ rằng đây là việc của riêng chị em hoặc bản thân nam giới rất ngại sử dụng các biện pháp của nam giới để tránh thai cho nữ giới, đặc biệt là biện pháp đình sản. Do đó, tỷ lệ nam giới áp dụng các biện pháp tránh thai cũng thấp hơn nhiều so với nữ giới.
Để tăng cường vai trò, trách nhiệm của nam giới thực hiện KHHGĐ và CSSKSS, ông Lê Quang Lộc - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: "Nam giới cần có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm chia sẻ với nữ giới trong việc thực hiện KHHGĐ. Nam giới phải tự nguyện và tích cực tham gia thực hiện KHHGĐ, như vậy sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, giảm đáng kể tình trạng nạo phá thai, hạn chế tình trạng gia tăng dân số, đồng thời làm giảm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có lây nhiễm HIV/AIDS để xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc”.
Thu Hạnh