1. Bệnh bạch hầu là gì?
BBH thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng có mức độ nguy hiểm rất cao được gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Đây là loại trực khuẩn gram dương hiếu khí, hình tương tự như cái chùy hay có dạng que mảnh thẳng.
Loại vi khuẩn nguy hiểm này có thể gây ra đại dịch, cụ thể là vào thế kỷ XVII, XVIII đã tàn phá khắp châu Âu và châu Mỹ. Vi khuẩn bạch hầu được chia làm 3 dạng: C.gravis, C.intermedius, C.mitis và đều là tác nhân gây BBH bằng ngoại độc tố.
Đây là loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính giả mạc trong hầu họng, mũi,… Ngoài ra, vi khuẩn còn xuất hiện trên da, kết mạc mắt và cơ quan sinh dục. Người khỏe mạnh và người nhiễm virus đều có khả năng trở thành ổ chứa và là nguồn lây bệnh.
Vi khuẩn này có sức đề kháng yếu. Nếu vi khuẩn có trong giả mạc hoặc bám trên quần áo, đồ chơi sẽ sinh sống khá lâu trong nhiệt độ thường. Vì thế, vi khuẩn này lây lan qua con đường tiếp xúc các đồ vật và nhanh nhất khi người bệnh hắt hơi, nói chuyện.
2. Triệu chứng của BBH
Những dấu hiệu khởi phát của bệnh này giống với cảm lạnh hoặc cảm cúm do thay đổi của thời tiết với các bệnh như viêm họng, viêm amidan,… hoặc nhiễm trùng da nếu không may lây nhiễm vi khuẩn thông qua vết thương hở trên da. Triệu chứng của bệnh này diễn tiến trong khoảng 2 - 5 ngày sau khi bị lây nhiễm. Có những người không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào và cũng có những người biểu hiện nhẹ dễ nhầm lẫn với cảm lạnh bình thường. Dấu hiệu nhận biết thường gặp nhất ở các bệnh nhân bạch hầu là các mảng màu trắng, có độ dày trong họng và amidan.
Ngoài ra, còn kèm theo các biểu hiện như: sốt, vùng cổ nổi hạch to, viêm họng, da tái xanh, thường chảy nước bọt, ho nhiều. Ngoài ra, khi bệnh tiến triển thêm sẽ xuất hiện những triệu chứng như: khó thở và khó nuốt; thị lực kém; nói lắp bắp; có biểu hiện sốc như da tái, lạnh run, đổ mồ hôi… Bên cạnh đó, tùy theo vị trí BBH phát triển sẽ có biểu hiện khác nhau: bạch hầu mũi trước: người bệnh sẽ có dấu hiệu sổ mũi, mủ ở mũi có thể kèm theo máu.
Khi kiểm tra sẽ phát hiện giả mạc trắng nằm ở vách ngăn mũi. Đây là dạng nhẹ do độc tố vi khuẩn không xâm nhập sâu vào máu. Bạch hầu họng và amidan: người bệnh có dấu hiệu đau rát cổ họng, bỏ ăn, sốt nhẹ và thường xuyên mệt mỏi.
Một số người sẽ bị sưng vùng dưới hàm, hạch bên dưới cổ khiến cổ to ra. Nếu bệnh diễn tiến nặng mạch bệnh nhân sẽ đập nhanh, người đờ đẫn và rơi vào hôn mê. Bạch hầu thanh quản: đây là dạng bệnh có mức độ nguy hiểm cao và có tốc độ tiến triển nhanh nhất, đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt cao, giọng khàn, ho nhiều.
Kết quả thăm khám cho thấy hình ảnh xuất hiện nhiều giả mạc nơi thanh quản. Bạch hầu tại các vị trí khác: trường hợp này hiếm gặp hơn những loại vừa kể trên. Bệnh nhân bạch hầu da sẽ xuất hiện vết loét, niêm mạc mắt, cơ quan sinh dục và ống tai.
3. Biến chứng BBH
Hô hấp: vi khuẩn bạch hầu sẽ tiết độc tố làm tổn thương các mô tại khu vực nhiễm trùng như mũi, cổ họng. Tại khu vực nhiễm trùng sẽ xuất hiện những màng cứng có màu trắng là các tế bào chết, vi khuẩn,… khiến việc hô hấp gặp khó khăn.
Đau tim: độc tố do bạch hầu gây nên sẽ lan truyền theo dòng máu gây tổn thương cho các mô trong cơ thể bệnh nhân gây ra biến chứng như viêm cơ tim. Tổn thương do các viêm cơ tim ở mức nhẹ, xuất hiện bất thường trên điện tâm đồ hoặc biến chứng nặng như suy tim sung huyết và đột tử.
Tổn thương hệ thần kinh: không chỉ gây ra biến chứng cho hệ hô hấp, tim mạch độc tố còn gây tổn thương cho hệ thần kinh. Dây thần kinh trong cổ họng bị ảnh hưởng sẽ khiến bệnh nhân khó nuốt, tay chân bị viêm, tê liệt.
4. Phòng ngừa BBH như thế nào cho hiệu quả?
Hiện nay, tiêm phòng vắc-xin bạch hầu được xem là biện pháp có hiệu quả tốt nhất. Có rất nhiều loại vắc-xin như 3 trong 1, 4 trong 1,… hoặc vắc-xin 6 trong 1 có tác dụng phòng ngừa 6 bệnh truyền nhiễm dành cho trẻ nhỏ từ 2 - 24 tháng tuổi.
Ngoài ra có các biện pháp khác như vệ sinh kỹ môi trường sống, phòng ở, nhà trẻ. Đảm bảo không gian luôn thoáng đãng, sạch sẽ. Tập thói quen lấy tay che mũi miệng lúc ho, hắt hơi và rửa sạch tay với xà phòng. Tuyên truyền rộng rãi cho người dân về việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ đúng lịch hẹn.
Khi phát hiện có người mắc bệnh cần báo ngay cho các cơ quan y tế gần nhất để tiến hành xử lý, điều trị để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bác sĩ Lê Hồng Đức