ĐẢM BẢO TÍNH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 (10/11/2020 - 10/12/2020) có chủ đề: "30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Tháng hành động năm nay là dấu mốc quan trọng để nhìn lại thành quả, khơi dậy quyết tâm đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng.
Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.
P.V: Xin bác sĩ cho biết kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh trong thời gian qua?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hà: Kể từ khi Yên Bái phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1997, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm, có nhiều hoạt động đã triển khai để khống chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Những năm qua, Yên Bái đã kiểm soát HIV trên cả 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển giai đoạn AIDS, giảm số người tử vong do AIDS.
Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh để đạt được 3 tiêu chí trên. Có được kết quả trên, Yên Bái đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp; chú trọng công tác truyền thông can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, truyền thông HIV/AIDS trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông tại cộng đồng, cơ sở y tế..., từ đó, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV tiếp cận được các dịch vụ y tế, hòa nhập cộng đồng.
Hàng năm, cung cấp bơm kim tiêm và bao cao su miễn phí cho hơn 1.000 người nghiện chích ma túy và người có nguy cơ cao, từ đó, giảm nguy cơ lây truyền HIV ra cộng đồng. Công tác điều trị HIV/AIDS được thực hiện từ năm 2006 với gần 100 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau 14 năm triển khai, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 điểm điều trị ARV và 27 điểm cấp phát thuốc điều trị cho 1.644 bệnh nhân. 99% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế và thanh toán thuốc ARV qua bảo hiểm y tế, đây là kết quả mang tính đột phá khi chuyển từ cấp thuốc ARV từ các dự án quốc tế sang cung ứng thuốc qua bảo hiểm y tế để đảm bảo tính bền vững trong công tác điều trị cho bệnh nhân.
Trong đó, 96% bệnh nhân điều trị ARV có kết quả tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế, từ đó giảm nguy cơ lây truyền HIV ra cộng đồng "Không phát hiện = Không lây nhiễm”. 2020 - năm đầu tiên xét nghiệm tải lượng HIV được chi trả qua nguồn bảo hiểm y tế và kỹ thuật xét nghiệm đã được triển khai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Trong xét nghiệm HIV, số mẫu dương tính được phát hiện/tổng số mẫu xét nghiệm liên tục giảm qua các năm. Những năm đầu, phát hiện trung bình 350 trường hợp dương tính/1 năm, 5 năm gần đây giảm dần từ 200 xuống 150.
Năm 2020, phát hiện 110 ca nhiễm HIV. Công tác giám sát HIV/AIDS được triển khai thường xuyên, liên tục. Năm 2020, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế rà soát lại toàn bộ các ca nhiễm HIV nhằm mục tiêu có số liệu chính xác nhất về tình hình dịch trên địa bàn để kịp thời đề ra các giải pháp can thiệp hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS những năm tiếp theo.
P.V: Đứng trước mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030, bác sĩ có thể cho biết khó khăn, thách thức Yên Bái phải đối mặt?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hà: Thời gian qua, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi ở nhiều địa phương chưa được triển khai thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, nhiều đối tượng có hành vi nguy cơ cao chưa tiếp cận thông tin và thiếu kỹ năng dự phòng lây nhiễm HIV.
Đối tượng nhiễm HIV ngày một trẻ hóa, chuyển dịch từ nam sang nữ, đường lây truyền HIV qua đường tình dục có xu hướng tăng. Mức độ tiếp cận của hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV vẫn còn hạn chế, nhóm dân di biến động chưa được tiếp cận đúng mức.
Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn diễn ra ở một số nơi, ảnh hưởng đáng kể đến việc xét nghiệm phát hiện HIV sớm và tiếp cận điều trị HIV/AIDS. Cán bộ làm công tác phòng, chống HIV tuyến huyện, tuyến xã còn kiêm nhiệm, phụ trách các hoạt động chuyên môn khác và không ổn định; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xét nghiệm, điều trị HIV cho người bệnh. Vấn đề thách thức lớn là đầu tư kinh phí của Trung ương và các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ngày càng cắt giảm, địa bàn can thiệp thu hẹp, ảnh hưởng đến sự ổn định và tính bền vững của các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là chương trình can thiệp giảm tác hại và giám sát dịch.
P.V: Vậy, giải quyết những khó khăn, thách thức trên cần có những giải pháp nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hà: Thời gian tới, đặc biệt giai đoạn 2021 - 2025, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường xét nghiệm HIV trong cộng đồng, đảm bảo mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm; giám sát, rà soát ca bệnh, tăng cường công tác điều trị ARV cho tuyến huyện, hướng tới mục tiêu đưa 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV…
Cùng với đó, ưu tiên cho các giải pháp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử; tăng cường biện pháp điều trị nghiện chất trong can thiệp giảm tác hại. Tăng cường các loại hình xét nghiệm HIV: xét nghiệm tại các cơ sở y tế, chú trọng xét nghiệm tư vấn lưu động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa và đẩy mạnh thực hiện xét nghiệm không chuyên cho các đối tượng có nguy cơ cao; mở rộng điều trị cho người nhiễm…
Giải pháp đảm bảo nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS cần được chú trọng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương và kinh phí từ nguồn bảo hiểm y tế giữ vai trò đặc biệt quan trọng để đảm bảo các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Theo tôi, không chỉ dừng ở các giải pháp về chính sách, kỹ thuật mà còn rất cần thiết có sự tham gia ủng hộ của cộng đồng và của cả hệ thống chính trị.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Thu Hiền (thực hiện)
"ƯƠM MẦM" HY VỌNG
Làm mẹ và sinh ra những đứa con khỏe mạnh là niềm hạnh phúc, là mong ước của tất cả phụ nữ, kể cả những phụ nữ nhiễm HIV. Tại Yên Bái, chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được triển khai đã đem đến hạnh phúc cho phụ nữ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh.
Chị D.T.C. ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên bị nhiễm HIV từ chồng. Lúc phát hiện mình nhiễm HIV năm 2007, khi đó, chị C. mới 22, lập gia đình được 2 năm. Còn quá trẻ, chưa con cái lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ đối với chị C. tương lai như sụp đổ. Sự tự ti, mặc cảm của bản thân và nỗi sợ hãi kỳ thị của mọi người khiến chị C. nhiều lần nghĩ đến cái chết. Rồi những ngày tháng sau đó, chị để mặc cho số phận mình sống không phương hướng.
Năm 2012, Câu lạc bộ Bình Minh thành lập. Đây là nơi để những người nhiễm HIV và người nhà của họ chia sẻ, tâm sự những khó khăn trong cuộc sống. Chị được người thân và thành viên Câu lạc bộ động viên tham gia sinh hoạt.
Tại đây, chị C. cùng những người chung hoàn cảnh được tìm hiểu những kiến thức về căn bệnh HIV, được điều trị thuốc ARV và hạnh phúc hơn cả, C. được biết đến Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giúp những người phụ nữ nhiễm HIV có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh, an toàn. Luôn khát khao cháy bỏng được một lần làm mẹ, năm 2014, chị C. tham gia dự phòng lây truyền mẹ con và hạnh phúc đã mỉm cười với chị khi chị C. sinh được bé trai khỏe mạnh.
Chị chia sẻ: "Khi quyết định sinh em bé, tôi đã làm theo những bước quy định. Đầu tiên, tôi tiến hành kiểm tra sức khỏe xem có đủ điều kiện mang thai hay không. Sau đó, thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Hàng tháng, tôi được các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn nên dùng phác đồ điều trị nào phù hợp với em bé cũng như chế độ dinh dưỡng trong quá trình mang thai. Khi đến kỳ sinh nở, được biết, người mẹ nhiễm HIV nên mổ đẻ chứ không sinh thường và tôi cũng đã thực hiện theo quy trình đó. Do vậy, tôi sinh em bé rất an toàn. Một tháng sau sinh, tôi làm xét nghiệm cho bé thì rất may mắn, bé âm tính với HIV”.
Cán bộ y tế tuyên truyền cho đồng bào Mông huyện Trạm Tấu về các biện pháp phòng tránh HIV/AIDS.
Câu chuyện của chị C. cho thấy, với những tiến bộ của y học, những bà mẹ nhiễm HIV nếu được dự phòng lây truyền đúng cách có thể sinh con an toàn, khỏe mạnh.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường lây truyền HIV. Nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 25 - 40%. Tuy nhiên, nếu phụ nữ có thai được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn từ 2 - 6%, thậm chí là 0%, sẽ sinh ra những đứa trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em sinh ra không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 9 chương trình ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Chương trình hướng tới mục tiêu không còn trẻ nhiễm HIV, góp phần bảo vệ thế hệ tương lai.
Đến thời điểm tháng 10/2020, Yên Bái đã điều trị dự phòng lây truyền HIV cho 13 cặp mẹ con, kết quả không phát hiện trường hợp nào bị lây truyền HIV từ mẹ. Những năm qua, tại Yên Bái, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang là hoạt động được quan tâm, triển khai rộng khắp và được thực hiện có hiệu quả.
Cụ thể, thông qua Tháng cao điểm hành động dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, các chương trình cấp phát tài liệu, tư vấn cho phụ nữ mang thai, nhiều bà mẹ đã tự nguyện xét nghiệm phát hiện HIV. Từ đó, những phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện kịp thời và điều trị theo chỉ dẫn đã cho kết quả khả quan…
Qua xét nghiệm cho thấy, trẻ có thể bị lây truyền HIV từ mẹ sang con vào các giai đoạn: trong thời gian mang thai, khi chuyển dạ, sinh con, trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Trong đó, nguy cơ cao nhất là vào giai đoạn chuyển dạ, đẻ và cho con bú. Vì vậy, việc phát hiện sản phụ nhiễm HIV sớm là vô cùng cần thiết để phòng ngừa nguy cơ lây truyền. Nếu phát hiện nhiễm HIV thì chị em sẽ được tư vấn về sức khỏe trước khi mang thai, được khám sức khỏe định kỳ cho cả mẹ và thai nhi trong suốt thời kỳ mang thai và được cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và sữa cho bé ít nhất đến 6 tháng tuổi...
Để ngăn chặn và đẩy lùi sự lây truyền HIV từ mẹ sang con, thời gian tới, ngành y tế tỉnh Yên Bái tập trung công tác tuyên truyền từ cấp cơ sở và bằng những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của người dân, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và cũng như phụ nữ mang thai, tạo cơ hội cho họ tiếp cận sớm các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tuyên truyền để cộng đồng không còn kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS, trong đó, có phụ nữ mang thai và coi việc xét nghiệm HIV đơn giản, bình thường như mọi xét nghiệm thông thường khác, từ đó thu hút tất cả các bà mẹ khi mang thai đến các cơ sở y tế để tư vấn và xét nghiệm HIV dự phòng lây nhiễm.
Nguyễn Thu
XÉT NGHIỆM SỚM, GIẢM NGUY CƠ LÂY NHIỄM
Xét nghiệm HIV sớm đối với người có nguy cơ lây nhiễm cao như người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm... giúp họ sớm biết được tình trạng của mình, từ đó kết nối họ vào các dịch vụ điều trị sớm nhất, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn xét nghiệm HIV cho người dân.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh, tính đến ngày 30/9/2020, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS có địa chỉ trong toàn tỉnh là 6.015 người. Trong đó, số mắc phát hiện mới 9 tháng năm 2020 là 76 người; lũy tích tử vong 1.631 người; tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh là 0,52%. Có đến 40,2% số người nhiễm HIV trên địa bàn toàn tỉnh là lây truyền qua đường máu, qua tình dục là 13,49%, từ mẹ sang con 0,5%, qua đường khác 45,81%. Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện từ hệ thống bệnh viện, các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện đều thuộc nhóm nguy cơ cao. Những con số này cho thấy, dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục triển khai những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực góp phần kiểm soát và khống chế dịch HIV/AIDS trên địa bàn. Trong đó, ngành y tế đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao về xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; tổ chức có hiệu quả các hoạt động dự phòng, mở rộng các dịch vụ tiếp cận, đặc biệt là tư vấn, xét nghiệm HIV sớm tại tất cả các tuyến từ tỉnh đến cơ sở.
Yên Bái hiện có 11 cơ sở y tế tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV. Tính đến cuối tháng 9/2020, toàn tỉnh đã xét nghiệm HIV cho 28.194/15.025 người đa số là những trường hợp nguy cơ lây nhiễm cao (người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm...); số người có kết quả HIV dương tính là 147/28.194.
Anh N.T.B. ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Do một lần quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm, tôi cảm thấy lo lắng về sức khỏe nên quyết định đi làm xét nghiệm HIV và phát hiện mình bị nhiễm HIV. Hiện tại, tôi điều trị ARV được 1 năm, cảm thấy sức khỏe vẫn ổn định”.
Xét nghiệm sớm không chỉ giúp tăng hiệu quả điều trị đối với người phát hiện dương tính HIV mà còn đề phòng ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Vì vậy, những người nằm trong nhóm nguy cơ lây nhiễm cao cần xét nghiệm sớm là bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng.
Bác sĩ Hoàng Thị Tươi - Trưởng khoa Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, Trung tâm KSBT tỉnh cho biết: "Trên thực tế vẫn có một số người dân nghĩ rằng, nhiễm HIV không có thuốc điều trị khỏi nên không cần phải đi xét nghiệm HIV sớm. Cũng có trường hợp đáng tiếc do không biết tình trạng nhiễm HIV nên đã vô tình làm lây truyền HIV sang vợ, chồng, người thân trong gia đình. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung, công tác điều trị và đề phòng lây nhiễm HIV/AIDS nói riêng. Do vậy, việc xét nghiệm HIV sớm là rất cần thiết giúp nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát và khống chế dịch HIV/AIDS, giảm số người nhiễm HIV”.
Vì vậy, mọi người cần làm xét nghiệm HIV sớm để biết về tình trạng sức khỏe của mình, giúp chủ động điều trị HIV nếu phát hiện dương tính cũng như dự phòng lây nhiễm HIV. Khi xét nghiệm và biết tình trạng nhiễm HIV sớm, người nhiễm bệnh sẽ được cán bộ y tế tư vấn, cung cấp các kiến thức, kỹ năng, phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV; điều trị HIV kịp thời, giúp giảm chi phí thuốc men, chi phí khám, chữa bệnh và chi phí nằm viện, giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, lao động, học tập như những người bình thường khác, góp phần giảm khả năng lây truyền HIV trong cộng đồng.
Để công tác xét nghiệm HIV đạt hiệu quả cao, ngành y tế tiếp tục truyền thông, tư vấn để người có nguy cơ lây nhiễm cao làm xét nghiệm HIV sớm; tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV; đào tạo, tập huấn cho các cán bộ y tế cơ sở thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng; huy động nguồn lực cho đội ngũ đồng đẳng viên để tăng cường tiếp cận, vận động các đối tượng nguy cơ cao tham gia xét nghiệm HIV.
Bùi Minh