Trên dưới 40 năm gắn bó với sự nghiệp văn hóa, trong đó có trên 20 năm trải qua bao khó khăn, vất vả ở vùng cao Mù Cang Chải trước đây, ông Nguyễn Văn Liệu - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh hiểu rất rõ những giá trị do phong trào đem lại.
Câu chuyện ngày xuân, ông hồ hởi: "Mục tiêu chung của xây dựng thôn bản văn hóa, tổ dân phố văn minh; xây dựng xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị là người dân có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; có đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú; môi trường cảnh quan sạch đẹp; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng; nâng cao mức hưởng thụ của người dân, hướng tới cuộc sống sung túc hơn, hạnh phúc hơn”.
Triển khai thí điểm từ cuối năm 1996, phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa nay được triển khai rộng khắp ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố và trở thành chủ trương, nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Đồng chí Giàng A Tông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tặng quà chúc mừng nhân dân thôn Ngã Hai, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11.
Đặc biệt, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đưa chỉ tiêu xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa là một trong 21 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, từ những mô hình thí điểm ban đầu, với sự quan tâm vào cuộc chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở, phong trào như "làn gió mới” tỏa khắp các vùng quê.
Nếu như năm 2000, toàn tỉnh có 106/2.232 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu làng, bản, tổ dân phố văn hóa, đạt tỷ lệ 4,7%, đến năm 2010, đã là 1.128/2.327 thôn, bản, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 45,4%. Đến năm 2019, có 893/1.364 thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 65,5% và năm 2020, tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa đạt 66% (tăng 61,3% so với năm 2000).
Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ là những cái tên tiêu biểu trong thực hiện phong trào. Thôn Ao Luông, Khe Lầy, Vằm (huyện Văn Chấn); Khe Ván, Xuân Thịnh, Đại Thành (huyện Văn Yên); Ba Than, Đồng Chuối, Khe Ngang (huyện Trấn Yên); Trung Tâm, Tiền Phong, Khu phố 8 (huyện Yên Bình); cầu Vè, Liễu Đô, Khau Dự (huyện Lục Yên); tổ dân phố Cường Bắc, thôn Nước Mát, tổ dân phố số 5, tổ dân phố Phúc Cường, tổ dân phố số 2 (thành phố Yên Bái); Bản Đêu 2, Bản Vệ (thị xã Nghĩa Lộ)… là những điểm sáng xây dựng văn hóa.
Đặc biệt, tại vùng cao, một số thôn, bản như: Ma Lừ Thàng, xã Zế Xu Phình; Pú Nhu, xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải); Pang Cáng, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn); Púng Tàu, xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu)... được xây dựng, tạo điểm nhấn bản sắc văn hóa đồng bào Mông. Xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, là nhân tố quyết định để phong trào xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn văn minh đô thị thu được nhiều kết quả nổi bật.
Từ 3 xã ban đầu khi phát động năm 2004 là Khai Trung (Lục Yên), Việt Hồng (Trấn Yên) và thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn), đến nay, toàn tỉnh có 65 xã đạt văn hóa nông thôn mới và 13 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn); Nghĩa An, Sơn A (thị xã Nghĩa Lộ); Kiên Thành, Báo Đáp (huyện Trấn Yên); Liễu Đô (huyện Lục Yên); Đại Phác (huyện Văn Yên); Đại Minh (huyện Yên Bình); xã Tuy Lộc, phường Đồng Tâm, phường Nam Cường (thành phố Yên Bái)... là những địa phương tiêu biểu. Phong trào xây dựng văn hóa gắn kết chặt chẽ với sự đầu tư của nhà nước, nhất là việc nhân dân đoàn kết giúp nhau, xoá đói giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa… là nguyên nhân để mỗi năm có trên 4% số hộ nghèo thoát nghèo (tương đương gần 1 vạn hộ), nhiều hộ vươn lên có cuộc sống khá, giàu.
Là yếu tố để 100% thôn, bản, tổ dân phố xây dựng được hương ước, quy ước hoạt động; 100% xã, phường, thị trấn (173) đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn văn hoá không có tệ nạn xã hội, với 80% số hộ gia đình trong tỉnh đạt chuẩn văn hóa. Để hạ tầng kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu của nhân dân, mà cảnh quan các miền quê đã có sự đổi thay theo hướng xanh, sạch, đẹp. Tại nhiều làng, thôn, bản văn hóa, nhân dân đã tích cực trồng các đường hoa, khu bảo tồn cây xanh, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng trồng tái sinh; các doanh nghiệp sản xuất, hộ gia đình chăn nuôi đều ký cam kết xử lý môi trường tương đối đảm bảo theo quy định…
Cùng đời sống vật chất, đời sống tinh thần người dân không ngừng được cải thiện nâng lên. Đến nay, 130/173 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có nhà văn hóa, sân, bãi hoạt động văn hóa, thể thao và 1.503 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố. Toàn tỉnh có 1.288 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng với 14.660 hội viên hoạt động thường xuyên; có 40,5% dân số tham gia hoạt động thể dục thể thao thường xuyên.
Xuân mới về đem theo niềm tin, hy vọng mới cho khắp các vùng quê Yên Bái. Đời sống của người dân về vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; môi trường sống, nhất là môi trường sinh thái không ngừng được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững… đã khiến mỗi miền quê Yên Bái hôm nay đang trở nên đáng sống. Đây là những tiền đề quan trọng để nhân dân các dân tộc Yên Bái thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra: xây dựng tỉnh phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Đình Tứ