Xưa nay vẫn thế, hạnh phúc như một điệp từ, một trạng thái chẳng bao giờ giới hạn thời gian, không gian. Xuân là mùa nam nữ tìm nhau kết duyên xây dựng đời hạnh phúc, là ánh mắt trẻ thơ nhận lì xì, là nụ cười viên mãn của bậc cao niên ngoảnh lại.
Đã qua rồi, hạnh phúc đâu còn đơn giản vậy. Một thời "ăn no mặc ấm” là hạnh phúc, rồi đến ăn ngon mặc đẹp. Giờ, hạnh phúc có phải là đủ đầy, là mặc đẹp - ăn nghệ thuật?
Không có giới hạn cho hạnh phúc - đó là điều chắc chắn! Và "Hạnh phúc” đã là mỹ từ được nhắc đến với tần suất lớn hơn ở Yên Bái trong năm Canh Tý - 2020 vừa qua.
Hạnh phúc - tồn tại đương nhiên trong suy nghĩ của mỗi người, mỗi gia đình, trong câu chuyện của bà con dân bản, người dân lối phố, song đã trở nên đặc biệt khi được đưa vào văn kiện Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái.
Trong phát biểu bế mạc Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "...nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc...”.
Tỉnh Yên Bái phát triển đến mức nào trong 5 năm, 10 năm tới, đã trở thành mục tiêu trong nghị quyết Đại hội. Nhưng cho dù đạt đến mức nào thì cũng không thể xa rời định hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc - "đó là triết lý phát triển của Yên Bái” - người đứng đầu tỉnh Yên Bái đã khẳng định như vậy.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy, "...Chúng ta muốn làm gì, phát triển ra sao thì đích đến cuối cùng là cuộc sống tốt đẹp, là hạnh phúc của người dân Yên Bái”.
Thực tế là vậy! Trong năm 2020, Đảng bộ, chính quyền, người dân và cả hệ thống chính trị đã gồng mình, chung sức để hoàn thành tốt công tác phòng chống dịch và đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Thành công thực hiện nhiệm vụ kép, người dân Yên Bái bình an qua bão dịch, lương - giáo vui vẻ bên nhau trong một giáng sinh an lành, hạnh phúc. Đó không chỉ là hạnh phúc của Yên Bái, mà đó còn là hạnh phúc của mỗi người dân Việt Nam trong khi các nước phải gồng mình thực hiện các biện pháp cách ly để phòng chống dịch.
Trong cái năm khó khăn 2020, tỉnh Yên Bái đã chi tiền hỗ trợ giúp người sản xuất vượt qua khó khăn đại dịch, nhưng hạnh phúc hơn khi nhắc chủ trương hỗ trợ người có công, người nghèo đặc biệt khó khăn làm nhà ở.
Một chủ trương hết sức nhân văn với mức hỗ trợ làm nhà mới bốn mươi triệu đồng nhưng đã kích cầu "gia chủ” và sự chung tay của cộng đồng để xây dựng gần ngàn ngôi nhà ba cứng, kín trên bền dưới. Tết đến xuân về, câu chuyện trong những ngôi nhà ấy không thể thiếu từ ơn Đảng và Nhà nước. Hạnh phúc của họ chắc hẳn khó có thể đo đếm.
Chợ quê ngày giáp tết (ảnh minh họa)
Ngày đầu năm mới 2021, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một người phụ nữ ngồi xe lăn được con cháu đưa lên cầu Cổ Phúc. Ánh mắt, dáng ngồi làm bà trở nên nhỏ bé trên cây cầu vượt sông Hồng sau bao năm mong mỏi, đợi chờ. Liệu bà có chung niềm vui, niềm hạnh phúc như bao người đã bày tỏ trong lễ khánh thành cầu đúng vào ngày mồng 1 tết Dương lịch.
Giờ bà không được thường xuyên qua cầu, nhưng hạnh phúc của bà lại chính ở chỗ con cháu của bà không còn cảnh chờ đò, hay phải qua sông trong những ngày mưa lũ - Hạnh phúc đơn giản vậy thôi.
Hạnh phúc là câu chuyện mỗi ngày cuối tuần, cán bộ, công chức, viên chức về với dân, cùng tham gia những công việc của người dân. Làm cùng nhau, nghe nhau nói, giải thích để mọi người cùng hiểu và đồng thuận, người dân và cán bộ Nhà nước là một - được hiểu là hạnh phúc chăng?
Đơn giản hơn nữa, ở đâu đó, những nhóm bạn bè đã nêu ra câu chuyện hạnh phúc cho riêng mình hoặc cho cả nhóm. Thật đơn giản, họ chỉ mong mỗi ngày hái cả tấn quả, tra nửa vườn ươm giống, bóc tạ vỏ quế, tranh thủ mưa thuận gió hòa mà gieo trồng theo dự kiến...
Rồi từ trong các trường học, khái niệm Trường học hạnh phúc dù có mới, nhưng hình như thầy cô, học trò, các bậc phụ huynh đều thích và chung hướng tới. Cùng với cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư là thái độ học tập, là ứng xử thầy trò, là quan hệ bạn bè... tất cả đều hướng đến những tiêu chí cụ thể.
Đã có những trường học tham gia cuộc thi "Happy School” - Trường học hạnh phúc; đã có những cuộc chia sẻ của thầy trò về ngôi trường hạnh phúc.
Ở đây, "hạnh phúc” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, điệp từ ấy sẽ in dấu trong tâm trí học trò từ thơ bé. Những mầm non sẽ đâm chồi, nảy lộc trong môi trường hạnh phúc. Tương lai của đất nước quê hương sẽ tươi đẹp nhờ được xây bằng bàn tay, khối óc mang hạnh phúc lớn lao.
Xuân sang, những lễ hội ra quân đầu năm, lễ hội xuống đồng tưng bừng, rạng rỡ của những nụ cười hạnh phúc. Bao dự cảm và khí thế mới cùng những lời chúc thiết tha - Xuân hạnh phúc tràn đầy.
Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái được đưa ra với 3 tiêu chí chính: Sự hài lòng về cuộc sống (gồm sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất; về mối quan hệ với gia đình và xã hội; về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội; sự hài lòng về hoạt động của các cơ quan công quyền); về Tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh (gồm 3 mức 65 tuổi, 70 tuổi, 75 tuổi) và Sự hài lòng về môi trường sống (gồm sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh). |
Quang Tuấn