Thực hiện Dự án trưng bày nhà bảo tàng, Bảo tàng tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp với chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện trưng bày nội, ngoại thất Nhà Bảo tàng tỉnh. Theo đó, các hạng mục trưng bày nội thất, ngoại thất của bảo tàng đã được bài trí bài bản, tái hiện và truyền tải chân thực, sinh động những thông tin về lịch sử, tự nhiên, văn hóa, truyền thống, về vùng đất và con người Yên Bái. Từ khi mở cửa nhà trưng bày vào tháng 9/2020, đến nay, Bảo tàng tỉnh đã đón hơn 100 đoàn với hơn 7.000 lượt khách đến tham quan.
Qua đó, không chỉ góp phần truyền tải đến cán bộ, đông đảo người dân, nhất là thế hệ thanh, thiếu niên, học sinh hiểu hơn về lịch sử truyền thống vẻ vang của Đảng, dân tộc và quê hương Yên Bái mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển dịch vụ văn hóa, phát triển văn hóa gắn với du lịch, tận dụng tài nguyên văn hóa tham gia vào nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh.
Thực hiện công tác nghiên cứu, năm 2020, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, đào thám sát, khai quật 4/3 cuộc (vượt 33%). Trong đó, chủ trì và phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Yên Bái và UBND phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) khai quật khẩn cấp di chỉ khảo cổ học Tuần Quán 1 và Tuần Quán 2.
Cuộc khai quật đã thu thập nhiều kết quả quan trọng trong việc nghiên cứu thời tiền sử và phong kiến tại khu vực này; chủ trì và phối hợp với phòng văn hóa - thông tin các địa phương và UBND xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn triển khai đào thám sát di tích khảo cổ học đình bản Hán, phối hợp với UBND xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đào thám sát mở rộng bãi đá khắc cổ, phối hợp với xã Hán Đà, huyện Yên Bình thám sát di tích Gò Chùa.
Kết quả đào thám sát đã phát hiện ra nền móng và vật liệu công trình kiến trúc cổ và nhiều hiện vật có giá trị thuộc giai đoạn Trần - Lê (thế kỷ XV-XVI) và Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Riêng tại xã Lao Chải, việc phát hiện thêm 6 khối đá lớn khắc cổ, có họa tiết chủ yếu là cảnh núi và ruộng bậc thang đã có ý nghĩa không nhỏ, mở ra hướng đi trong việc phát triển du lịch tại địa phương này.
Thực hiện công tác sưu tầm, trong năm, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện 12 cuộc điền dã, sưu tầm hiện vật tại các huyện: Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải và Văn Chấn. Qua đó, phát hiện nhiều di chỉ mới và sưu tầm mới thêm 112 hiện vật thể khối qua các thời kỳ văn hóa, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa cao.
Tiêu biểu như: nhóm hiện vật chậu gốm Phúc Ninh (nhà Trần - thế kỷ XIII - XIV); mai đá Vĩnh Kiên (hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí); nhóm hiện vật dân tộc học phục vụ không gian trưng bày nhà sàn Thái.
Đối với công tác trưng bày, triển lãm, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức được 9/7 cuộc trưng bày, triển lãm kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh (vượt 12,8% chỉ tiêu kế hoạch), nổi bật là cuộc trưng bày: Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Yên Bái và 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh; Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; trưng bày lưu động những dấu tích Phật giáo thời Trần - Lê Yên Bái tại trung tâm huyện Lục Yên.
Cùng với đó, Bảo tàng tỉnh đã làm tốt công tác kiểm kê, phân loại, đánh số, lập phích phiếu khoa học, vào sổ kiểm kê, bổ sung thông tin lý lịch hiện vật và nhận bàn giao 112 hiện vật mới sưu tầm; tổ chức được nhiều đợt bảo quản thường xuyên và 3 đợt bảo quản định kỳ cho các sưu tập, nhóm hiện vật, nhất là các hiện vật gốc, hiện vật có nguy cơ cao xuống cấp, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao.
Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2021, Bảo tàng tỉnh sẽ chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh xây dựng Đề án "Đổi mới hoạt động của Bảo tàng tỉnh gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2020 – 2025, định hướng tới 2030”.
Theo đó, Bảo tàng tỉnh sẽ nỗ lực, tổ chức tốt các đợt điều tra, điền dã, thám sát, khai quật nhằm phục vụ tốt, hiệu quả hơn cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương; đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật nhằm phục vụ công tác trưng bày; phối hợp với các các trường học, các huyện, thị, thành phố tổ chức trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề; tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho đối tượng là học sinh, sinh viên; đồng thời, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan của công chúng; quan tâm và xây dựng tốt kế hoạch kiểm kê, bảo quản, đặc biệt là công tác bảo quản định kỳ trong điều kiện cho phép, chú trọng các nhóm hiện vật quý, hiếm, hiện vật gốc, độc bản, hiện vật đang có nguy cơ bị hư hỏng, xuống cấp trong kho cơ sở; triển khai công tác tư liệu hóa thông tin hiện vật...
Hồng Oanh