Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các cấp, các lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh. 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và tăng cường các hoạt động tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, đã chỉ đạo UBND các xã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa bàn quản lý.
Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chuyên môn liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, công tác kiểm tra được tăng cường. Từ việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đài truyền thanh các huyện, thị xã, hệ thống loa truyền thanh xã, thị trấn; tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi họp tại cộng đồng, nhằm phổ biến các nội dung của Luật ATTP, các văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành, UBND các cấp về công tác đảm bảo ATTP, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định điều kiện ATTP, kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm… mà người dân từ vùng thấp tới vùng cao trong tỉnh đã nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề an toàn trong sử dụng thực phẩm, sử dụng nấm, nhất là trong sử dụng rượu, bia.
Ông Nguyễn Thế Quyền - Phó Trưởng phòng Y tế huyện Văn Yên cho biết: "Tuyên truyền về ATTP trước tết Tân Sửu 2021, toàn huyện Văn Yên đã tổ chức khoảng 400 buổi, chủ yếu tại các xã, thị trấn và các thôn, bản. Qua công tác tuyên truyền, người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã nâng cao kiến thức về phòng ngừa ngộ độc, không ăn các loại thực phẩm như nấm rừng, nội tạng cóc, không uống các loại nước ngâm cây rừng không rõ nguồn gốc…”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát về ATTP cũng được các lực lượng chức năng tăng cường. Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh đã tiến hành kiểm tra 29 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đầu mối cung cấp thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2012 trên địa bàn tỉnh, lập biên bản xử lý 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với số tiền 23 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.
Qua đợt kiểm tra cho thấy phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP, không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Ông Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: "Các hành vi vi phạm chủ yếu: sử dụng người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm mà không đội mũ đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay trong khu vực sản xuất thực phẩm. Nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập. Vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy. Một số cơ sở kinh doanh hàng công nghệ phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống còn vi phạm một số lỗi như: còn để hàng hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở khu vực kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn còn hạn chế...”.
Trong thời gian tới, Yên Bái sẽ tập trung tuyên truyền với chính quyền các cấp, các nhà quản lý các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản liên quan đến công tác quản lý ATTP sau tết và mùa lễ hội, nhất là công tác thanh kiểm tra bảo đảm ATTP tại tất cả các cấp từ huyện đến xã, thị trấn...
Các địa phương tăng cường chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa nơi các đoàn thanh tra, kiểm tra không có điều kiện kiểm tra thường xuyên, trình độ dân trí còn thấp; tuyên truyền và phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho nhân dân, đồng thời kiên quyết xử lý các vi phạm hành chính về ATTP nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa lễ hội Xuân 2021 và đảm bảo các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Trong mùa lễ hội, người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; phòng ngừa ngộ độc rượu. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng...; không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; Không ăn nấm đã bị dập nát, ôi thiu.
|
Thành Trung