Sau khi Chỉ thị số 43-CT/TW được ban hành, tỉnh đã có kế hoạch nhằm tăng cường công tác lãnh chỉ đạo, quán triệt việc triển khai thực hiện đến các cấp ủy Đảng. Chính quyền các cấp thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động nhân đạo, từ thiện và tạo điều kiện mọi mặt về kinh phí, cơ sở vật chất, chính sách phụ cấp đối với cán bộ hội cấp cơ sở… nhằm đẩy mạnh hoạt động công tác hội. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai Chỉ thị 43 thường xuyên thực hiện, các cấp ủy Đảng quan tâm tổ chức sơ kết, tổng kết các chủ trương của Đảng về công tác nhân đạo, từ thiện.
Hội CTĐ tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp để làm tốt công tác nhân đạo, từ thiện. Đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về nêu gương trong cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ bằng những việc làm thiết thực, động viên nhân dân ủng hộ, chăm lo giúp đỡ cho người nghèo, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, người già cô đơn, gia đình chính sách và nhân dân các vùng bị thiên tai, thảm họa…
Bên cạnh đó, với sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của tỉnh, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 43, Hội CTĐ tỉnh không ngừng được củng cố, phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 221 hội cơ sở, trên 56.000 hội viên, gần 5.000 tình nguyện viên, 57.000 thanh thiếu niên CTĐ.
Với mạng lưới cán bộ Hội, hội viên và tình nguyện viên được phủ khắp các xã, phường nên hoạt động cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp nhân đạo được các cấp hội quan tâm, thực hiện kịp thời. Nhiều phong trào, cuộc vận động của Hội CTĐ đã trở thành phong trào của toàn dân. Nổi bật như: Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, đã vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký trợ giúp thường xuyên, tặng quà, làm nhà, trao học bổng, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất... Duy trì tốt việc quản lý, theo dõi, giám sát sự sinh trưởng và phát triển của đàn bò thuộc Dự án "Ngân hàng bò”, kịp thời chuyển giao số bê giống cho các hộ nghèo theo quy định. Các hoạt động đã trợ giúp cho 127.000 người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn số tiền 97 tỷ đồng. Đồng thời, Hội CTĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội cơ sở xây dựng các mô hình: mở gian hàng, hội chợ CTĐ ở các xã vùng sâu, vùng xa…
Hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức các hoạt động cứu trợ, kịp thời giúp nhân dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa xảy ra tại địa phương. Theo đó, trong 10 năm qua, các cấp hội đã cứu trợ khẩn cấp cho 33.771 lượt người, tổng trị giá gần 22 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức tư vấn, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 40.000 lượt người nghèo vùng sâu, vùng xa, đối tượng chính sách, người cao tuổi, người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng.
Đối với hoạt động hiến máu tình nguyện, hàng năm, Hội CTĐ tỉnh đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động hiến máu, đã tổ chức 70 đợt hiến máu với 23.300 người tham gia, tiếp nhận 19.687 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu giao… góp phần cung cấp máu cứu chữa người bệnh.
Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, hoạt động Hội CTĐ các cấp trong tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo nhân dân tham gia giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Thu Hiền