Theo số liệu tổng hợp từ các huyện, thị, từ năm 2015 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 2.381 người tảo hôn. Trong đó, tảo hôn từ vợ là 1.162 người, tảo hôn từ chồng là 219 người, tảo hôn từ cả vợ và chồng 1.000 người.
Cụ thể, năm 2015 có 436 người, trong đó: 242 người dân tộc Mông, 110 người dân tộc Dao, 33 người dân tộc Tày, 28 người dân tộc Kinh, 14 người dân tộc Thái, còn lại 9 người là dân tộc Mường, Nùng, Phù Lá, Giáy; năm 2016 có 472 người.Trong đó: 269 người dân tộc Mông, 125 dân tộc Dao, 42 người dân tộc Kinh, 22 người dân tộc Tày, 9 người dân tộc Thái, còn lại 5 người là dân tộc Nùng, Giáy; năm 2017, có 464 người, trong đó: 307 người dân tộc Mông, 84 người dân tộc Dao, 39 người dân tộc Tày, 12 người dân tộc Thái, 12 người dân tộc Kinh, còn lại 10 người là dân tộc Nùng, Giáy, Mường, Khơ Mú, Cao Lan; năm 2018 có 4 người, trong đó: 295 người dân tộc Mông, 73 người dân tộc Dao, 19 người dân tộc Tày, 18 người dân tộc Kinh, 3 người dân tộc Thái, 3 người là dân tộc Nùng, Giáy.
Năm 2019, có 326 người, trong đó: 261 người dân tộc Mông, 37 người dân tộc Dao, 10 người dân tộc Tày, 12 người dân tộc Kinh, 2 người dân tộc Thái, 2 người dân tộc Nùng; năm 2020 có 272 người, trong đó: 224 người dân tộc Mông, 33 người dân tộc Dao, 4 người dân tộc Tày, 5 người dân tộc Kinh, 2 người dân tộc Thái, 4 người dân tộc Nùng, Phù Lá và Cao Lan. Cùng tảo hôn, 5 năm qua có 28 người kết hôn cận huyết thống, chủ yếu thuộc dân tộc Mông, Dao.
Xem xét nguyên nhân của tình trạng trên cho thấy, về chủ quan do bà con còn bị ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục lạc hậu; những tục lệ, nghi lễ truyền thống của đồng bào DTTS qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế gia đình nhiều người dân còn khó khăn, chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, nâng cao dân trí, nhiều nơi không khuyến khích con em đến trường mà muốn con cái ở nhà lấy vợ, lấy chồng sớm có thêm người làm việc giúp đỡ gia đình.
Ngoài ra, bản thân các em, nhất là các em gái chưa nhận thức đầy đủ về việc học tập nâng cao trình độ là phục vụ chính bản thân mình khiến nhiều em có tâm lý muốn nghỉ học sớm để lấy chồng, trong tổng số 2.381 người tảo hôn thời gian qua thì tảo hôn từ vợ là 1.162 người, chiếm gần 50% số người tảo hôn. Bên cạnh đó, các em lại bị tác động ảnh hưởng từ mặt trái của kinh tế thị trường, sự phát triển của công nghệ thông tin như điện thoại di động, internet…
Về khách quan, bên cạnh khó khăn về địa lý tự nhiên, về kinh tế - xã hội, đồng bào DTTS ít được giao lưu, học hỏi nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật, nhất là đối tượng phụ nữ. Nguyên nhân chính vẫn do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, còn coi đó là phong tục rất khó xóa bỏ nên chưa đặt quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình ở nhiều địa phương vùng dân tộc miền núi còn bị buông lỏng.
Hình thức xử lý của chính quyền địa phương đối với các cặp tảo hôn chưa nghiêm thường là xử phạt theo hương ước, hoặc muốn xử phạt nhưng việc nắm tình hình và đấu tranh không hiệu quả nên không xử phạt được, mức xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Còn có tình trạng nể nang, bao che của cán bộ cơ sở dẫn đến công tác tuyên truyền, xử lý tình trạng tảo hôn chưa hiệu quả...
Hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vô cùng lớn. Không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng DTTS; đối tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống rơi vào vòng luẩn quẩn: đói nghèo - thất học - tảo hôn.
Thực tế cho thấy, do kết hôn còn trẻ, bản thân những bà mẹ trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe do cơ thể chưa phát triển, chưa hoàn thiện cả về trí lực và thể lực, nên ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tương lai của những người mẹ và trẻ em được sinh ra từ các cặp tảo hôn. Nhiều em đang ngồi trên ghế nhà trường phải bỏ học để lấy vợ, lấy chồng, mất cơ hội học tập, kinh nghiệm cuộc sống còn non trẻ, nhưng phải lo toan cuộc sống gia đình mà chủ yếu là làm nông nghiệp, lao động phổ thông nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo.
Những gia đình tảo hôn thường có cuộc sống rất khó khăn do kém hiểu biết về cách ứng xử, chưa hiểu biết nhiều về kiến thức nuôi dạy con cái, cũng như trách nhiệm, bổn phận của những người làm cha, làm mẹ, nên thường xảy ra mâu thuẫn có thể dẫn đến ly hôn.
Kết quả của một số công trình nghiên cứu đã khẳng định, có mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng dân số với mang thai, sinh đẻ đối với các trường hợp kết hôn cận huyết thống có thể sinh ra những đứa con bị dị dạng hoặc những đứa trẻ sinh ra có nguy cơ rất cao mắc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, nhất là bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời...
Từ những hậu quả nặng nề trên, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ cấp thiết đặt ra. Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIX) đang triển khai xây dựng Đề án đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS là việc làm hết sức kịp thời và chính xác.
Tin rằng với sự vào cuộc thường xuyên, quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cũng như người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quản lý từ tỉnh đến cơ sở và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS của tỉnh trong thời gian tới sẽ được đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Nguyễn Đình