Bắt đầu từ việc cuối năm, anh về quê bắt con lợn mấy chục ký, gọi hàng xóm tới liên hoan một bữa thật rôm rả. Đúng là chuyện chưa bao giờ xảy ra ở cái cụm dân cư với hơn 30 nóc nhà, hơn 100 nhân khẩu! Một bữa cơm rất bình thường, khoản kinh phí không hề lớn nhưng có ai đứng ra tổ chức đâu.
Còn nhớ, trong bữa ăn hôm ấy, khi mọi người còn hoan hỷ, anh hàng xóm mới dõng dạc: "Xin cảm ơn các bác, các anh, các chị đã có mặt tại gia đình tôi để dự bữa cơm vui vẻ này. Cho phép tôi được đề xuất ý kiến thế này, xóm ta là xóm đoàn kết, tinh thần ấy cần được phát huy và thể hiện qua các công việc chung cũng như khi gia đình nhà nào trong xóm có việc lớn; tổ chức liên hoan cho vui vẻ cũng là một cách để thể hiện tinh thần đoàn kết ấy. Vậy thì, mỗi năm, xóm ta tổ chức một vài bữa liên hoan cho vui vẻ, tôi đề nghị như vậy mọi người đồng ý không ạ? - "Đồng ý, đồng ý luôn!” - mọi người hô vang rồi một tràng pháo tay dài thể hiện sự đoàn kết.
Cách tết Nguyên đán chục hôm, anh hàng xóm mới đi lần lượt các hộ trong khu dân cư, vừa để thăm hỏi vừa bàn chuyện góp tiền đổ bê tông đoạn đường cuối xóm. "Đoạn đường ấy gồ ghề quá! Mưa thì đọng nước bẩn thỉu, em và mấy anh làm thợ nề cũng đã tính sơ bộ rồi, khoảng hơn chục khối bê tông, kinh phí khoảng 10 triệu đồng, công cán thì xóm mình rất đông thợ nề, huy động anh em làm nửa buổi là xong” - giọng anh thủng thẳng, dễ nghe, dễ hiểu, dễ gần. Dù vậy, không ít người tỏ ra băn khoăn: "Mấy chục năm nay, tình trạng vẫn vậy, khu phố cũng họp bàn mấy lần rồi nhưng đều không thành vì lời qua, tiếng lại; liệu chú có làm nổi không?”. Trước những lời "bàn ra” như thế, anh hàng xóm mới chỉ cười rồi quả quyết: "Làm được, miễn là mọi người cùng chung tay”.
Tới hôm khu dân cư tổ chức họp ở nhà văn hóa, vấn đề góp tiền làm đường được cán bộ đưa ra, nghe nói chi bộ khu dân cư cũng đã thống nhất cao và ra nghị quyết. Đến phần thảo luận, anh hàng xóm mới đứng lên phát biểu: "Tôi nghĩ đây là công việc chung, mọi người cần tích cực ủng hộ tham gia. Đừng bàn lui nữa! Các anh thợ xây có kinh nghiệm cũng đã tính rồi, hơn 10 khối bê tông, kinh phí khoảng 10 triệu đồng, vậy là mỗi hộ đóng góp 300.000 đồng là đủ. Nhân công thì các anh thợ xây đều sẵn sàng làm giúp”. "Chưa ổn! Xóm này 30 hộ, mỗi hộ 300.000 đồng, vậy là mới có 9 triệu đồng, thiếu 1 triệu đồng nhé. Về nhân công, anh em thợ xây đóng góp mồ hôi công sức rồi, những hộ khác thì sao”. Mấy ý kiến phát biểu tựu chung lại đều nội dung như vậy.
Phần tham gia ý kiến kết thúc, bà tổ trưởng giải đáp: "Đúng như ý kiến của các ông bà, chúng tôi dự kiến thu có 28 hộ thôi vì có 2 hộ thuộc diện đặc biệt, không thu. Như vậy, thiếu 1,6 triệu đồng, số tiền còn thiếu ấy anh chị hàng xóm mới của chúng ta xin đóng góp hơn cho đủ”.
Nghe đến thế, bà con trong khu dân cư rì rào bàn tán rồi nổ một tràng pháo tay. Thấy thế, bà tổ trưởng tiếp: "Riêng nhân công thì 7 anh thợ nề trong khu đã hứa ủng hộ, nếu bà con thấy được thì hôm ấy chúng ta tổ chức luôn một buổi liên hoan mừng con đường mới, khoản đóng góp thì sẽ được bàn tiếp. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thu tiền của các anh thợ nề. Như vậy được không ạ!”. Lại một tràng pháo tay biểu thị sự tán đồng. Mấy ngày sau, con đường cuối xóm đã được đổ phẳng phiu, mấy nhà có điều kiện còn kéo đèn thắp sáng đường ngõ.
Tết vừa rồi cả xóm an vui. Câu chuyện đầu xuân có thêm chuyện làm đường, chuyện san tạo bãi rác làm sân bóng chuyền hơi và cả chuyện tổ chức liên hoan Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Tấn Đạt