Điểm Bưu điện Văn hóa xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình đang thực hiện chi trả cho 220 đối tượng hưởng trợ cấp BTXH.
Là đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp 270.000 đồng/tháng, ông Đỗ Văn Cử, thôn Thanh Bình cho biết: "Hàng tháng những đối tượng được trợ cấp như tôi sẽ được nhân viên bưu điện văn hóa xã gọi điện thoại ấn định ngày, giờ cụ thể nhận tiền hỗ trợ. Trong quá trình chi trả, tôi thấy nhân viên bưu điện cởi mở, giải thích nhiệt tình, chu đáo, thủ tục nhanh chóng, không gây phiền hà. Có những ngày ốm đau tôi không thể đến lấy tiền được, nhân viên bưu điện xã đến tận nhà phát tiền”.
Chị Ngô Thanh Tâm, nhân viên Bưu điện Văn hóa xã Phú Thịnh cho biết: "Vào những ngày chi trả, chúng tôi thực hiện chi trả cho các đối tượng thụ hưởng nhanh, đúng, đủ số tiền. Sau ngày chi trả cố định, chúng tôi tiến hành rà soát lại danh sách do Phòng lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH) huyện cấp, đối tượng nào chưa đến nhận, chúng tôi sẽ liên hệ bằng điện thoại, phối hợp với địa phương nắm bắt thông tin để có phương án phù hợp hoặc xem xét chi trả tại nhà. Vì vậy, công tác chi trả trợ cấp BTXH được thực hiện kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng”.
Năm 2016, tỉnh triển khai chi trả trợ cấp BTXH hàng tháng cho các đối tượng qua hệ thống bưu điện. Để việc chi trả đạt hiệu quả cao, Bưu điện tỉnh phối hợp với Sở LĐTB & XH thường xuyên kiểm tra, rà soát những tồn tại trong quá trình thực hiện tại các điểm chi trả để tháo gỡ khó khăn và khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Đến nay, Yên Bái thực hiện chi trả trợ cấp BTXH tại 22 bưu cục, 160 bưu điện văn hóa xã. Nhân viên tham gia chi trả chế độ trợ cấp BTXH là 182 người. Thực hiện chi trả cho 100% đối tượng BTXH được thụ hưởng chính sách trợ cấp với tổng số 24.567 đối tượng.
Tổng kinh phí chi trả cho đối tượng hưởng trợ cấp BTXH hàng tháng thông qua hệ thống bưu điện là 500,96 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả trợ cấp BTXH hàng tháng luôn đạt trên 99,7%. Ngày chi trả được sắp xếp từ 10-20 hàng tháng.
Việc chi trả các chính sách trợ cấp hàng tháng cho đối tượng BTXH qua hệ thống bưu điện không chỉ thực hiện chính xác, nhanh chóng, kịp thời mà còn làm giảm áp lực công việc cho Phòng LĐTB&XH cấp huyện, giúp cán bộ làm công tác thương binh xã hội có nhiều thời gian tập trung vào việc chuyên môn, tuyên truyền phổ biến chính sách, quản lý đối tượng…; giảm rủi ro trong quá trình nhận tiền từ các huyện, thành phố về cấp phát cho đối tượng thụ hưởng tại xã, phường, thị trấn trong chi trả…
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song, công tác chi trả trợ cấp BTXH qua bưu điện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: trong quá trình thực hiện, ở một số nơi chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa nhân viên bưu điện với cán bộ LĐTB&XH xã, phường, thị trấn nên việc báo tăng, giảm và điều chỉnh chế độ còn chậm; nhiều đối tượng thụ hưởng chính sách trợ cấp BTXH là người cao tuổi, khuyết tật hoặc nhà xa điểm nhận tiền muốn gộp nhiều tháng lĩnh một lần gây khó khăn cho việc thanh quyết toán; kinh phí chi cho trợ cấp BTXH chưa kịp thời nên việc chi trả tháng đầu năm và cuối năm cho đối tượng thụ hưởng chưa đúng theo thời gian quy định; chưa thông báo kịp thời cho đối tượng phát sinh mới đến nhận tiền.
Một số phòng LĐTB&XH chuyển trả phí thù lao chi trả cho bưu điện chậm, dẫn đến bưu điện treo công nợ doanh thu trong tháng. Phòng LĐTB&XH huyện Mù Cang Chải, Yên Bình chưa cấp sổ lĩnh tiền trợ cấp BTXH hàng tháng cho đối tượng hưởng…
Thời gian tới, Bưu điện tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ; chú trọng đào tạo, tập huấn kỹ năng giao tiếp, quy trình quản lý nguồn tiền chi trả cho nhân viên giao dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống để công tác chi trả, quản lý nguồn tiền, thanh quyết toán được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Tham mưu chính quyền địa phương thực hiện miễn lệ phí xác nhận cho các đối tượng hưởng chính sách BTXH khi làm giấy ủy quyền cho người khác nhận thay; thống nhất mẫu sổ lĩnh tiền trợ cấp BTXH hàng tháng cho các đối tượng hưởng trên toàn tỉnh…
Thu Hiền