Nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được khơi dậy và phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Nhìn lại chặng đường 20 năm qua để thấy câu chuyện về xây dựng đời sống mới ở huyện nghèo Mù Cang Chải - nơi có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống như cổ tích bởi sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Hiện nay, người dân Mù Cang Chải không những đã xoá bỏ nhiều hủ tục, trẻ em được đến lớp, nhân dân có địa điểm sinh hoạt cộng đồng, thể thao, văn hóa, văn nghệ mà còn hình thành ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại nuôi nhốt gia súc, trâu bò hay những tuyến đường thắp sáng đường quê, đường hoa, đường tự quản, thu gom rác thải...
Ông Trần Trung Kiên - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: "Hết năm 2020, toàn huyện có tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 78,1%; tỷ lệ bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa là 71,4%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá là 88/108 đơn vị; 10/14 xã, thị trấn có nhà văn hóa; 14/14 xã, thị trấn có hệ thống loa truyền thanh hoạt động, có 1 điểm bưu điện văn hoá...
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong cộng đồng được hình thành với 14 đội văn nghệ bản sắc, 45 câu lạc bộ thể dục thể thao, 22% dân số tham gia luyện tập thể thao thường xuyên”. Việc cưới được tổ chức tiết kiệm hơn, nam nữ kết hôn trên tinh thần tự nguyện. Nghĩa trang tập trung được các xã quan tâm quy hoạch, hủ tục giảm đáng kể. Lễ hội đã có sự thay đổi hình thức, rút gọn nội dung, thời gian phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tiêu biểu là việc ăn chung một tết Nguyên đán được nhân dân hiểu và ủng hộ thực hiện, vừa lành mạnh, tiết kiệm vừa phát huy được nét đẹp truyền thống văn hóa trong đồng bào các dân tộc vùng cao theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ.
Có thể thấy, việc thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước khác đã đưa phong trào lan toả rộng khắp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chung tay góp sức vượt qua khó khăn, thách thức cùng phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Thông qua phong trào, nhiều nét đẹp trong văn hóa, lao động sản xuất đã được hình thành. Nhân dân đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, số hộ nghèo hằng năm giảm; đạo đức truyền thống tốt đẹp được khơi dậy và giữ gìn; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt; tệ nạn xã hội được đẩy lùi; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được thực hiện tốt hơn, dân số - kế hoạch hóa gia đình có nhiều chuyển biến tích cực.
Các khu dân cư đã thành lập được các tổ hoà giải, được nhân dân ủng hộ tích cực, Quy chế dân chủ ở cơ sở được đẩy mạnh. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng nếp sống văn minh công sở; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn, hiệu quả phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Tuy vẫn còn nhiều điều chưa làm được nhưng 20 năm qua, việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Mù Cang Chải đã để lại dấu ấn bằng những đổi thay tích cực từ diện mạo nông thôn cho đến tư tưởng, đời sống tinh thần; các giá trị văn hóa tốt đẹp đã thấm sâu và lan tỏa đến mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư.
Hoài Anh