Về nơi thờ ông tổ của cây quế Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/4/2021 | 8:04:10 AM

YênBái - Nhắc đến Văn Yên là nhắc về địa danh nổi tiếng với bạt ngàn những rừng quế xanh tươi. Nếu có dịp đến thăm vùng quế Văn Yên mà chưa đặt chân đến Viễn Sơn thì cũng sẽ được coi như là vẫn chưa từng đến bởi nơi đây mới chính là cội nguồn của đất quế... và cũng là nơi quần tụ lâu đời của cộng đồng người Dao đỏ với nhiều nét văn hóa truyền thống còn được bảo tồn và lưu giữ.

Người Dao Viễn Sơn chăm sóc quế.  Ảnh: Thanh Miền
Người Dao Viễn Sơn chăm sóc quế. Ảnh: Thanh Miền

Được ví là cây "vàng xanh trên núi”, cây quế gắn bó thủy chung với người Dao Viễn Sơn từ trong tâm tưởng, ký ức đến đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất. Đây được coi là nơi đầu tiên xuất phát nghề trồng quế, cũng là một trong những xã có diện tích quế lớn nhất ở Văn Yên hiện nay với diện tích trên 2.600 ha. Đây cũng là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở Viễn Sơn, hàng trăm hộ đã thoát nghèo từ cây quế, nhiều nhà có thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng từ quế. 

Tại thôn Tháp Cái, xã Viễn Sơn có đình Tháp Cái, tên đình gắn với thờ ông Bàn Phú Sáu, người đầu tiên tìm ra cây quế đưa về trồng và dạy dân cách trồng cây quế, dân bản gọi ông là "ông tổ” cây quế và suy tôn Thành Hoàng. Tương truyền, ông Phú Sáu là một trong những người đầu tiên đưa gia đình về khai khẩn, lập làng bản ở Viễn Sơn và là người khởi dựng, chủ đình Quế Sơn Tháp Cái (đình Tháp Cái), là người biết chữ, thầy cúng, hiểu biết phong thủy, địa lý và đi nhiều nơi. 

Ngày xưa, cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao xã Viễn Sơn rất nghèo khổ, chủ yếu sống bằng nghề làm nương, săn bắn thú trên rừng, bắt cá dưới suối Tháp Cái, lên rừng lấy măng, đào củ mài về ăn. Một hôm, ông Phú Sáu vào rừng săn thú, đuổi theo một con hươu, vào rừng sâu, ông nhìn thấy một cây to, có rất nhiều quả, trên cây có đàn chim đang ăn quả. Lại gần cây lạ, ông thấy từ cây tỏa ra mùi thơm mát lạ thường, lấy lá cây ăn thử thấy có vị vừa cay vừa thơm, khi nuốt lại có vị ngọt. 

Ông nghĩ, chắc đây là cây quý nên tìm kiếm xung quanh xem có cây con nào không để đem về trồng. Sau nhiều ngày dày công tìm kiếm, ông đã tìm thấy 3 cây con, đào mang về trồng. Hàng ngày, ông Phú Sáu dành thời gian để chăm sóc cho cây lạ đó. 

Do chưa biết cách chăm sóc nên 2 cây bị chết. Một cây còn lại, ông đổi cách chăm sóc nên cây lớn nhanh, tốt tươi, hương thơm tỏa ra khắp bản làng. Cây lớn lên cho ra rất nhiều quả, ông lấy hạt ươm cây giống trồng quanh nhà, trên nương và vận động, dạy dân bản cách trồng. Mới đầu, người dân chỉ dùng loại cây này để làm thuốc chữa bệnh và hương liệu. Sau một thời gian, có nhiều người miền xuôi lên mua bán, trao đổi hàng hóa với đồng bào Dao lấy vỏ mang về xuôi. Thấy cây lạ vừa chữa bệnh, lại bán, trao đổi hàng hóa nên dân bản trồng khắp núi đồi và gọi là "Phinh gia húa” (có nghĩa là: cây của tiên gia). Sau này gọi là cây quế và được người Dao cùng các dân tộc trong vùng trồng ngày càng nhiều. Cây quế đã giúp cho cuộc sống của đồng bào Dao và các dân tộc trong vùng ngày càng ấm no, đầy đủ, hạnh phúc hơn. 

Tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai khẩn lập làng, lập bản, đưa cây quế về trồng, đồng bào Dao ở xã Viễn Sơn và cộng đồng các dân tộc trong vùng gọi ông Phú Sáu là "ông tổ” cây quế và suy tôn ông là Thành Hoàng làng, xã và được thờ trong đình Tháp Cái. Đình thuộc địa phận thôn Tháp Cái nên gọi là đình Tháp Cái, người Dao gọi là Pèng on chía. 

Từ khi khởi dựng đến nay, trải qua hơn 200 năm, đình Tháp Cái vẫn tồn tại gắn bó với cộng đồng người Dao, với vùng đất Viễn Sơn xưa và nay. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tuy đã có sự thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện từng giai đoạn lịch của đất nước và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng vẫn giữ nguyên các giá trị vốn có của di tích. 

Theo phong tục, tín ngưỡng của dân tộc Dao đỏ xã Viễn Sơn, đình Tháp Cái mỗi năm tổ chức 4 lần cầu cúng. Đó là Lễ tháng Giêng - Lễ cúng Thành Hoàng vào ngày mùng 1 tết;  Lễ cầu mùa vào ngày mùng 3/3 âm lịch; Lễ Cầu phúc, cầu lộc vào ngày 6/6 âm lịch và Lễ cầu phúc, cầu lộc vào ngày 2/8 âm lịch hàng năm với những nghi thức độc đáo theo phong tục địa phương. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, ngày 26/12/2018, đình Tháp Cái xã Viễn Sơn được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Vào mỗi dịp lễ tết, người dân trong xã, trong vùng đến đình Tháp Cái thắp hương để cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa; cầu Thành Hoàng, Thần linh che chở, phù hộ làng bản yên bình, mùa màng bội thu, cây quế tốt tươi, con người khỏe mạnh… Đây cũng là nơi giáo dục mọi người đoàn kết, yêu thương nhau, làm việc thiện, không làm điều ác, có trách nhiệm với ông bà, cha mẹ, gia đình, cộng đồng bảo vệ rừng, giúp người Dao đỏ trên vùng đất quế Văn Yên tin tưởng đi theo Đảng, thêm tự tin và nghị lực trong xây dựng và phát triển gia đình, quê hương vươn đến một tương lai tươi đẹp, ấm no và hạnh phúc bình yên.

Hồng Vân

Tags Văn Yên cây quê rừng Nà Hẩu đền Đông Cuông

Các tin khác
Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày và đêm 24/4, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông rải rác.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

Các em ở Trung tâm luôn được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất.

Con người sinh ra không ai giống ai, mỗi một số phận, hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi khác nhau, thế nhưng khi về với ngôi nhà chung là Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, nơi đây - những mảnh đời đó đã được sống trong tình thương, đùm bọc và được sẻ chia niềm vui trong cuộc sống.

Hiện trường vụ tai nạn lao động xảy ra chiều 22/4 tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.

Ngày 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã ký Công văn hỏa tốc số 1308/UBND-VX yêu cầu các ngành liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động và xử lý vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái ngày 22/4 vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục