Trong đó, ngành y tế quản lý 2.444 cơ sở, ngành nông nghiệp quản lý 2.789 cơ sở, ngành công thương quản lý 3.638 cơ sở, chủ yếu là các loại hình sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.
Có thể thấy, những năm qua, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên môn quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đã được phân cấp quản lý rõ ràng theo đúng quy định của Luật ATTP và các nghị định của Chính phủ. Từ đó, công tác truyền thông được thực hiện đa dạng về nội dung và hình thức, có cải tiến với cách thức tiếp cận, chất lượng thông tin phù hợp với các đối tượng, nâng cao hiệu quả lan tỏa trong cộng đồng. Năm 2020, tỉnh đã tổ chức truyền thông về ATTP qua nhiều hình thức: 597 buổi hội thảo, tập huấn, nói chuyện với trên 28.000 người tham gia; 2.707 tin, bài, chương trình và 28.448 tài liệu truyền thông.
Ban Chỉ đạo ATTP các cấp cũng đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, đồng loạt tiến hành kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn. Chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra được nâng cao rõ rệt, thể hiện ở các vi phạm được phát hiện và xử lý.
Năm 2020, các ngành đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 4.381 cơ sở, phát hiện 708 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 608 cơ sở với tổng số tiền gần 600 triệu đồng, 100 cơ sở vi phạm xử lý bằng hình thức nhắc nhở.
Qua công tác kiểm tra đã phát hiện các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc không đảm bảo ATTP, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cùng với xử phạt hành chính, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã kiên quyết xử lý tiêu hủy những sản phẩm không đảm bảo an toàn với 60 loại sản phẩm, giá trị khoảng 150 triệu đồng. Các trường hợp vi phạm đều được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra giám sát mối nguy, ngành y tế cũng đã tiến hành lấy 909 mẫu thực phẩm, xét nghiệm 1.161 chỉ tiêu, trong đó có 58 chỉ tiêu không đạt; ngành nông nghiệp thực hiện 4 đợt giám sát và lấy 209 mẫu nông sản, 100% mẫu không phát hiện các chỉ tiêu phân tích và kiểm tra nhanh; ngành công thương đã tiến hành kiểm tra nhanh 49 mẫu thực phẩm về các chỉ tiêu: hàn the, foocmol, methanol và phẩm màu, tất cả mẫu đều đạt yêu cầu.
Có thể thấy, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh được triển khai với 2 hoạt động chính là truyền thông và thanh tra, kiểm tra. Đây là dịp để địa phương huy động các đoàn thể, xã hội, người tiêu dùng tham gia tuyên truyền, tư vấn kiến thức, kỹ thuật giúp doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm hoàn thiện các điều kiện về ATTP. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được kiểm tra cũng nhận được chỉ dẫn chính xác để kịp thời điều chỉnh những thiếu sót trong việc thực thi và áp dụng các văn bản luật.
Nhờ đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận biết và hành động về đảm bảo ATTP; người dân có thêm kiến thức, kỹ năng nhận biết được các mối nguy cơ, các biện pháp lựa chọn thực phẩm an toàn và các quy định pháp luật về ATTP.
Từ việc chú trọng công tác truyền thông về ATTP, sự phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm nên số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt qua từng năm. Năm 2020, tỉnh Yên Bái xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn với 16 người mắc, không có tử vong, nguyên nhân là do ăn canh nấm rừng.
Hoài Anh