Tủ sách "Thắp sáng ước mơ” vừa được Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh ra mắt trung tuần tháng 3/2021. Tại buổi ra mắt, Thư viện tỉnh đã trao tặng nhà trường 200 bản sách. Hoạt động này nằm trong chương trình tặng 9 tủ sách "Thắp sáng ước mơ” cho các trường học của Thư viện tỉnh trong năm 2021.
Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn 5 Khe Sấu, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên - nơi có tủ sách phục vụ bà con đã trở thành điểm hẹn tri thức của người dân vào các buổi chiều, đặc biệt là trước các buổi họp, sinh hoạt chi bộ thôn. Từ ngày được tiếp cận thường xuyên với nguồn kiến thức từ sách báo, cuộc sống của người dân nơi đây đã có sự đổi khác theo hướng tích cực.
Tủ sách tại nhà văn hóa thôn 5 Khe Sấu, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã trở thành điểm hẹn tri thức của người dân.
Một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực thúc đẩy phong trào đọc sách phải kể đến là Dự án Bước chân của Sách. Dự án được xây dựng và triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ tháng 9/2020 với rất nhiều hoạt động thiết thực như "Góp một cuốn sách để đọc ngàn cuốn”, mô hình "Thư viện 50k” (thư viện 50.000 đồng), Lời cảm ơn bước chân của sách”… đã khuyến khích học sinh, sinh viên đọc sách một cách khoa học, bài bản; từng bước nâng cao văn hóa đọc.
Để bạn đọc tiếp cận dễ dàng với số lượng khổng lồ các tài liệu mong muốn, Thư viện tỉnh Yên Bái đã thực hiện luân chuyển sách đến các thư viện thuộc hệ thống thư viện công cộng, thư viện khối trường học và các cơ quan, ban, ngành.
Đặc biệt, đã tạo thành nguồn sách hạt nhân cho các mô hình tủ sách tại các khu dân cư, phát triển các thư viện trường học. Cùng với đó, Thư viện tỉnh rất quan tâm tới ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa dịch vụ, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc trong nền tảng phát triển của công nghệ số.
Ngày hội đọc sách được tỉnh Yên Bái tổ chức hàng năm đã truyền tải những thông điệp về văn hóa đọc sách, ý nghĩa về giá trị cuộc sống từ nguồn tri thức sách mang lại.
Những Ngày hội đọc sách được tỉnh Yên Bái tổ chức hàng năm là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội.
Các hoạt động đa dạng, thiết thực như: trưng bày, giới thiệu sách, mua sách trao tặng cho các trường học, hướng dẫn sử dụng phần mềm học trực tuyến và mượn sách điện tử qua hệ thống thư viện trường học… cùng việc xây dựng gần 90 tủ sách cơ sở, 66 điểm phục vụ của xe thư viện lưu động và 20 điểm Bưu điện - Văn hóa xã với nhiều đầu sách phong phú, được luân chuyển định kỳ đã góp phần tôn vinh, khẳng định giá trị của sách trong đời sống xã hội và khơi dậy lòng yêu sách và đam mê, thói quen đọc sách cho mọi người dân.
Có thể thấy, những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc nhân rộng văn hóa đọc thời gian qua đã góp phần mang lại kết quả tích cực trong việc thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Yên Bái.
Song để văn hóa đọc tỏa nhiều gam màu sáng thì quan trọng nhất là văn hóa ứng xử của cá nhân, cộng đồng trong việc tích lũy tri thức và phát triển năng lực sáng tạo.
Ngày nay, người đọc có thể thuận lợi tiếp cận kho tàng tri thức vô giá của nhân loại nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số, đồng thời nếu biết gắn với đọc sách truyền thống để biến tri thức từ sách vở thành kiến thức và kỹ năng của riêng mình thì khi đó văn hóa đọc mới thực sự ý nghĩa như một cách rèn luyện trí não, tâm hồn và nhân cách mỗi con người.
Thanh Chi - Hoài Văn