Những năm gần đây, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 106 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.347 ca mắc, 7 người tử vong. Các vụ ngộ độc thực phẩm đều được điều tra theo đúng quy định của Bộ Y tế, đa số tìm ra được nguyên nhân.
Cụ thể, năm 2020, xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn làm 16 người mắc, không có tử vong. Ngay lập tức, các cơ quan chức năng vào cuộc tìm ra nguyên nhân do ăn canh nấm rừng và bị ngộ độc do độc tố tự nhiên.
Mới đây, vụ ngộ độc thực phẩm ngày 23/4/2021 tại Khu công nghiệp Âu Lâu đã có ít nhất 13 công nhân nhập viện. Kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm củ đậu cho kết quả dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng). Đến nay, sức khỏe của các bệnh nhân ổn định, không có ca diễn biến nặng...
Song song với đó, các cơ sở như: dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm, nước uống đóng bình, đóng chai, nước đá dùng liền, kinh doanh, chế biến có nguồn gốc động vật, bếp ăn tập thể... thường biến động qua từng năm.
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 8.880 cơ sở, trong đó, ngành y tế quản lý 2.444 cơ sở, ngành nông nghiệp quản lý 2.789 cơ sở, ngành công thương quản lý 3.638 cơ sở. Thời gian qua, ban chỉ đạo an toàn thực phẩm (ATTP) các cấp cũng thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố.
Năm 2020, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 4.381 cơ sở, phát hiện 708 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 608 cơ sở với tổng số tiền gần 600 triệu đồng, 100 cơ sở vi phạm xử lý bằng hình thức nhắc nhở.
Đồng thời, ngành y tế cũng đã tiến hành lấy 909 mẫu thực phẩm, xét nghiệm 1.161 chỉ tiêu, trong đó, có 58 chỉ tiêu không đạt; ngành nông nghiệp thực hiện 4 đợt giám sát và lấy 209 mẫu nông sản, 100% mẫu không phát hiện các chỉ tiêu phân tích và kiểm tra nhanh; ngành công thương đã tiến hành kiểm tra nhanh 49 mẫu thực phẩm về các chỉ tiêu: hàn the, foocmol, methanol và phẩm màu, tất cả mẫu đều đạt yêu cầu...
Qua đó, phát hiện các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cùng với xử phạt hành chính, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã kiên quyết xử lý tiêu hủy những sản phẩm không đảm bảo an toàn với 60 loại sản phẩm, giá trị khoảng 150 triệu đồng.
Hiện nay, công tác bảo đảm ATVSTP luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, tích cực. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về chất lượng ATVSTP hiện chỉ mới giải quyết được một số vấn đề.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong việc chỉ đạo thực hiện, sự phối hợp giữa các ban, ngành chức năng còn mang tính hình thức, chưa phát huy chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý. Chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản), việc kết nối giữa cung và cầu từ các vùng sản xuất rau an toàn đến người tiêu thụ chưa hiệu quả.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền về ATVSTP còn hạn chế, có thực hiện nhưng chưa duy trì thường xuyên. Nhận thức về kiểm soát giết mổ và ATVSTP của một số chủ cơ sở giết mổ, sử dụng thuốc trong bảo quản nông lâm thủy sản, chế biến các sản phẩm động vật chưa cao, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định. Lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng do kiêm nhiệm công việc khác, địa bàn hoạt động rộng, nhiều cơ sở phân bố rải rác.
Nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế trong sử dụng thực phẩm. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông - lâm thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP còn chưa cao. Nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế, kinh phí và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động ATVSTP còn thiếu. Người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn thiếu kiến thức về ATVSTP.
Thời điểm này, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh, vì vậy, Tháng hành động vì ATTP năm 2021 diễn ra từ 15/4 - 15/5 với chủ đề là "Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”. Mục tiêu thời gian tới là phấn đấu đạt chỉ tiêu số mắc ngộ độc thực phẩm/100.000 dân là dưới 7 người/100.000 dân; xây dựng mô hình điểm trong các bếp ăn trường học, doanh nghiệp…
Để đạt được mục tiêu trên, bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh cho biết: "Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong vấn đề ATVSTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố kiểm soát ATVSTP đối với các làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Ngành y tế cũng phối hợp với cơ quan công an nắm chắc các địa phương, địa bàn trọng điểm về vi phạm ATVSTP, điều tra xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATVSTP theo quy định của pháp luật, củng cố và nâng cao năng lực các cơ quan chuyên môn, các phòng chuyên môn, đặc biệt là phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ quản lý cấp xã, phường, thị trấn, giúp chính quyền trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện quản lý về ATVSTP... Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được sức khỏe con người về trước mắt, lâu dài và hướng tới mục tiêu ATVSTP cho toàn xã hội”.
Ông Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh:
Vấn đề hàng đầu trong công tác đảm bảo ATVSTP hiện nay là tuyên truyền, giáo dục. Đơn vị đã chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục truyền thông, phổ biến kiến thức ATVSTP tới mọi đối tượng với nhiều nội dung và hình thức đa dạng... Qua đây, nâng cao nhận thức của người quản lý, nhà cung cấp thực phẩm và người tiêu dùng; đồng thời, đưa các thông tin về ATVSTP trên các kênh truyền thông để người dân có thể tiếp cận với các kiến thức đúng, lựa chọn thực phẩm an toàn của các cơ sở thực phẩm uy tín và chất lượng, phù hợp với tiêu chí "phòng hơn chống”.
Ông Nguyễn Mạnh Huân - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau Tuy Lộc, thành phố Yên Bái:
Đối với nhà sản xuất, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng là vấn đề sống còn. Do đó, toàn bộ rau của hợp tác xã (HTX) đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem, mác đầy đủ. Quá trình sản xuất đều có sự giám sát, phân tích, ghi chép lại các thông tin vào sổ nhật ký. Ban Giám đốc HTX đã trực tiếp tiếp thị sản phẩm tới từng bếp ăn của các nhà máy, khu công nghiệp, trường học; mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc... Do đó, sản phẩm rau an toàn của chúng tôi đã và đang được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Bà Hoàng Thị Bích Phượng - Chủ cửa hàng Thực phẩm sạch Hoàng Phượng, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái:
Tôi không chỉ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm mà còn là một người tiêu dùng. Chính vì thế, tất cả các sản phẩm cửa hàng nhập về đều có nguồn gốc, xuất xứ, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Cửa hàng ưu tiên nhập các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn OCOP của các địa phương trong tỉnh như: chè Suối Giàng, huyện Văn Chấn; rau xanh, gà, miến đao xã Quy Mông, huyện Trấn Yên; măng tây Văn Chấn; bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình... Cửa hàng đã đầu tư máy kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả các sản phẩm rau, củ, quả của cửa hàng nhập vào trước khi cho lên kệ đều được kiểm tra đầy đủ.
Chị Hoàng Thị Yến - tổ 11, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái:
Là phụ nữ, tôi có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của cả gia đình thông qua các bữa ăn. Tôi cùng gia đình luôn thực hiện "5 nguyên tắc vàng” gồm: rửa tay sạch và giữ sạch bề mặt dụng cụ chế biến thức ăn; không để chung thức ăn chín và sống; nấu chín kỹ thức ăn; bảo quản thức ăn ở nhiệt độ phù hợp; sử dụng nguồn nước sạch và nguyên liệu an toàn. Đặc biệt, tôi thường lựa chọn mua thực phẩm đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng uy tín.
Hồng Duyên - Minh Tuấn (thực hiện) |
Trần Minh
CHIẾC TEM NHỎ, LỢI ÍCH LỚN
Không biết rõ sản phẩm được trồng, chăn nuôi ở đâu, như thế nào; cách vận chuyển, phân phối ra sao, khiến người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng hàng hóa. Bởi vậy, việc dán tem truy xuất nguồn gốc được coi là "chìa khóa” khởi tạo lại niềm tin cho người tiêu dùng, cho nhà sản xuất và cho chính nông sản, thực phẩm.
Người tiêu dùng quét mã tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm miến đao Quy Mông, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên.
Thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiện đang là bài toán nhức nhối. "Căn bệnh” mất niềm tin của người tiêu dùng đã khiến nhu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm trở nên bức thiết, đặc biệt là với doanh nghiệp sản xuất và phân phối. Với hàng hóa dán tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh với vài thao tác đơn giản, trong vài giây, người tiêu dùng có thể truy xuất chi tiết về hàng hóa.
Hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh thực phẩm hơn 10 năm nay, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh giò, chả Thanh Báu của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Thanh ở tổ 11, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái có một lượng khách hàng ổn định với trên 20 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố, huyện Trấn Yên, Yên Bình và các quán ăn.
Vấn đề ATVSTP luôn được đặt lên hàng đầu. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - chủ cơ sở sản xuất cho biết: "Để đứng được trong ngành hàng này thì yếu tố về chất lượng và bảo đảm ATVSTP là vấn đề sống còn. Từ khi dán tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng càng yên tâm hơn, người này giới thiệu cho người kia nên lượng khách đến cửa hàng ngày một đông hơn”.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Minh Bảo, thành phố Yên Bái chuyên nuôi ong mật được thành lập năm 2018, với 25 thành viên. Hiện nay, HTX có 750 đàn ong, sản lượng 10,5 tấn mật/năm, thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Năm 2019, sản phẩm mật ong của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Ông Bùi Việt Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết: "Nhờ dán tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể biết được nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng... của mật ong trước khi chọn mua. Việc dán tem thật sự cần thiết đối với các cơ sở sản xuất vì bài trừ được hàng giả, hàng nhái, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.798 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Trong đó, có 2.617 kinh doanh chế biến có nguồn gốc động vật, 142 cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn gốc thực vật, 39 cơ sở nuôi trồng chế biến kinh doanh thủy sản.
Thực hiện chương trình dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản tỉnh triển khai, đến nay, có trên 20 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm thực hiện dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình. Hầu hết các sản phẩm OCOP, các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cũng đều có tem truy xuất nguồn gốc. Có thể nói, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng còn muốn biết nhiều hơn về quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển đến bày bán trên kệ, đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như: thực phẩm, dược phẩm. Khi đó, việc truy xuất nguồn gốc sẽ trở thành xu hướng tất yếu.
VÌ AN TOÀN BẾP ĂN TRƯỜNG HỌC
Thời gian qua, bên cạnh việc nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho các em học sinh luôn được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đặc biệt quan tâm, chỉ đạo.
Cán bộ cấp dưỡng Trường Mầm non Lê Quý Đôn lấy mẫu lưu thực phẩm theo quy định.
Trường Mầm non Lê Quý Đôn, thành phố Yên Bái mỗi ngày cung cấp gần 200 suất ăn cho trẻ. Để đảm bảo công tác ATVSTP, nhà trường đã bố trí khu vực sơ chế riêng và khu bếp nấu riêng một chiều, vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, đồ dùng ngăn nắp. Quanh khu vực bếp, ngoài sơ đồ dinh dưỡng, nhà trường còn treo các pa nô với nội dung 10 lời khuyên trong chế biến và sử dụng thực phẩm, các vấn đề ATVSTP cần thông báo cho người tiêu dùng…
Cô Bùi Thị Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Quý Đôn cho biết: "Hàng ngày, Ban Giám hiệu nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Nguồn thực phẩm nhà trường lấy từ các nhà cung cấp thực phẩm có nguồn gốc, có đầy đủ giấy tờ pháp lý và có hợp đồng cung cấp thực phẩm theo quy định”.
Hiện nay, toàn ngành GD&ĐT có 477 bếp ăn tập thể; trong đó, mầm non có 279 bếp, tiểu học có 62 bếp, tiểu học & THCS có 93 bếp, THCS có 24 bếp, THPT và giáo dục thường xuyên có 9 bếp, trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) có 10 bếp. Có 94.134 trẻ, học sinh ăn tại các bếp ăn tập thể, trong đó có 51.975 trẻ mầm non; 28.698 học sinh ăn tại 59 bếp ăn của các trường PTDTNT, bán trú.
Toàn ngành có 1.280 nhân viên nuôi dưỡng, trong đó có 1.046 nhân viên được tập huấn, cấp chứng nhận ATVSTP; 100% nhân viên dinh dưỡng được khám sức khỏe định kỳ; 100% nhà trường thực hiện ký cam kết ATVSTP với các cơ sở cung cấp thực phẩm cho bếp ăn của nhà trường.
Bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Để đảm bảo ATVSTP trong các nhà trường, ngành GD&ĐT tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn. Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, Sở GD&ĐT đã ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Cùng với đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh, tập trung tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tác hại của việc uống rượu, bia và đồ uống có cồn, về phòng ngừa ngộ độc rượu; kỹ năng nhận biết các loại lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn, không sử dụng các loại động, thực vật có độc tố tự nhiên như: nấm độc, các loại lá, quả có độc tố…”.
Hàng năm, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra công tác ATVSTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Bình quân, mỗi năm, toàn tỉnh đã kiểm tra từ 15 đến 20 cơ sở giáo dục về công tác ATVSTP, đặc biệt là các trường PTDTNT, bán trú, trường mầm non. Qua kiểm tra, hầu hết các nhà trường đều thực hiện tốt công tác ATVSTP, có 12/62 trường xếp loại tốt, 50/62 trường xếp loại khá.
Thời gian tới, để đảm bảo công tác ATVSTP trong các trường học, ngành GD&ĐT cần tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo ATVSTP cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, nhất là nhân viên cấp dưỡng của các bếp ăn tập thể.
Cùng với đó, ngành thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể cần đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc lương thực, thực phẩm; kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định; người chế biến thực phẩm phải được khám sức khỏe định kỳ; định kỳ gửi mẫu nước tới các cơ sở xét nghiệm để kiểm soát chất lượng nước ăn, uống, sinh hoạt theo quy định; chỉ đạo các phòng GD&ĐT phối hợp với trung tâm y tế cấp huyện tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 100% đội ngũ nhân viên cấp dưỡng.
Hồng Duyên