Sinh thời Bác Hồ đã dặn "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đất nước Việt Nam chúng ta có bề dày lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước từ bao đời nay. Bởi vậy, việc giáo dục về giá trị lịch sử, truyền thống hiện nay là vô cùng quan trọng, để cho các thế hệ tương lai của đất nước biết gìn giữ và lấy lịch sử, truyền thống, bản sắc làm điểm tựa vững bước tiến vào tương lai.
Đến tham quan và học tập ngoại khóa ở Bảo tàng Yên Bái, các em học sinh, sinh viên được mở mang hiểu biết về lịch sử của vùng đất Yên Bái với những dấu mốc quan trọng từ thủa bình minh chưa có chữ viết cho đến ngày nay.
Qua 5 chủ đề và các hạng mục trưng bày, các em được tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, lễ hội lúa nước của cư dân các bộ lạc người Việt bên trống đồng Đông Sơn, sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt, Mường, Tày, Thái, Cao lan, Mông, Dao, Khơ mú, Xa Phó…, đặc trưng về sinh hoạt văn hóa tinh thần, sinh động, nổi bật của thiên nhiên và con người Yên Bái để có một nhận thức chung về đoàn kết, xây dựng quê hương giàu đẹp và bảo vệ vững chắc quê hương và Tổ quốc.
Hơn thế, các em còn cảm nhận được niềm tự hào là "Cháu ngoan Bác Hồ”, được khoác trên vai khăn quàng đỏ. Hiểu sâu sắc về giá trị tình cảm mang ý nghĩa sống còn của lịch sử đã đem lại nền độc lập tự do cho đất nước.
Đến tham bảo tàng, học sinh sẽ cảm nhận, hiểu được đồng bào các dân tộc Yên Bái trưởng thành từ nhận thức cách mạng đến đấu tranh giành độc lập và đã sáng tạo ra những công cụ, phương tiện thô sơ nhất để đánh giặc như: yên ngựa, mũi tên tẩm thuốc độc, đạn chì, đạn ghém, thuốc súng, hầm chông, bẫy… cho đến khi biết dùng vũ khí hiện đại hơn để đánh giặc, hình ảnh những cối giã gạo nuôi quân, hình ảnh tiêu thổ kháng chiến, dân công phá đá mở đường vào chiến dịch.
Những bức trướng cỡ lớn được Bác Hồ tặng thưởng cho quân dân Yên Bái bắn rơi máy bay đế quốc Mỹ xâm lược, qua các hạng mục hình ảnh, phù điêu, vật chứng. Còn có rất nhiều những bức thư Bác Hồ gửi cho đồng bào Tây Bắc và cả huy hiệu của Bác gửi cho các em có nhiều thành tích trong kế hoạch nhỏ, người tốt việc tốt và có kết quả học tập tốt.
Niền tự hào hơn cả là Bác Hồ đã về thăm đồng bào các dân tộc Yên Bái và các em ngày 25/9/1958. Bài nói chuyện và căn dặn nhân dân các dân tộc và các em học sinh Yên Bái cách đây đã 63 năm, nhưng những vấn đề Người dặn và đặt ra trong bài nói chuyện vẫn sống mãi với thời gian cho đến hôm nay và mai sau.
Trong quá trình thăm quan, học tập tại Bảo tàng Yên Bái, các em không chỉ được tìm hiểu về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc tại Yên Bái mà còn được trải nghiệm mở rộng kiến thức về văn hóa một cách chân thực và gần gũi khi tìm hiểu về ngôi nhà sàn, cọn nước, cối giã gạo, cối xay thóc, múa sạp, múa xòe, hình ảnh những chàng trai cô gái nắm tay nhau bên điệu xòe nhịp nhàng bập bùng bên ánh lửa.
Tìm hiểu về những nhạc cụ đặc trưng của từng dân tộc: Kinh, Tày, Mông, Dao, Thái… như đàn tỳ bà, nhị, chũm chọe, khèn Mông, đàn môi, khèn bè Thái, trống tang sành, trống nêm, tăng bu, sáo… các em có cơ hội quan sát trực quan sinh động qua màn hình nhỏ các nghệ nhân trình diễn nhạc cụ, tìm hiểu những sinh hoạt lễ -hội, văn hóa bẳn sắc truyền thống cộng đồng qua hình ảnh dương bản cỡ lớn.
Đặc biệt cây tháp (cửu phẩm) và bệ thờ hoa sen cỡ lớn là những biểu tượng kết tinh tinh hoa văn hóa người Việt, người Tày, người Chăm… vừa là bản địa, vùa là đặc trưng văn hóa phương Đông có ở trên mảnh đất Yên Bái, đã phần nào giúp các em hiểu và ý thức hơn về tinh thần "Đoàn Kết là mạnh của dân tộc”.
Không những vậy, các em còn cảm nhận được tinh thần đoàn kết của bản thân mình trong một gia đình, trong một lớp học, trong cộng đồng qua hình ảnh múa xòe, múa sạp.
Bên cạnh đó, trong quá trình tham quan, học tập các em còn được giáo dục việc bảo vệ môi trường, cây xanh thảm cỏ như: Không xả giác bừa bãi, không nhả kẹo cao su ra nghế, ra đường, không đi vào thảm cỏ, không hái hoa, bẻ cành… Đây là những vấn đề hết sức thiết thực và gần gũi trong đời sống hàng ngày và cũng là tiếp tục phát huy tinh thần Đề án số: 208/QĐ-TTg, ngày 27/01/20214 của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” trong xã hội hiện nay.
Qua các buổi tham quan học tập ngoại khóa tại Bảo tàng Yên Bái không chỉ tạo ra một sân chơi lành mạnh, học mà chơi, chơi mà học, dễ chịu cho các em vào ngày nghỉ giữa bầu không khí thoáng đãng, trong lành mà còn bổ trợ thêm kiến thức, truyền tình yêu về lịch sử, truyền thống văn hóa, đất nước con người Việt Nam nói chung, Yên Bái nói riêng đến với thế hệ mầm non của đất nước mai sau .
Lý Kim Khoa (Bảo tàng tỉnh Yên Bái)