Từ năm 2012 đến nay, Sở đã nghiên cứu, sản xuất nhiều sản phẩm truyền thông có chất lượng, phù hợp với các nhóm đối tượng như: xuất bản 4.700 tờ rơi "Những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống mua bán người", 600 cuốn Sổ tay "Hỏi - đáp luật Luật Phòng, chống mua bán người", 3.000 tờ rơi "Gia đình và cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người"; biên soạn, đăng tải trên 200 tin, bài, ảnh, khẩu hiệu, thông điệp, video clip tuyên truyền về công tác BVCSTE nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; vận hành đường dây nóng BVCSTE - 18001776.
Hàng năm, Sở chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức: Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em các cấp, thực hiện Chiến dịch truyền thông về phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em. Giai đoạn 2012 - 2020, Sở đã phối hợp tổ chức trên 300 hoạt động lấy ý kiến của thiếu nhi tại cơ sở với trên 1.000 tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em và có gần 500 tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị gửi về Thường trực Hội đồng trẻ em, được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và HĐND, UBND tỉnh tiếp nhận, giải quyết có hiệu quả.
Để công tác BVCSTE mang lại hiệu quả thiết thực, giai đoạn này, Sở cũng đã chủ động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm việc với trẻ em ở các cấp, các ngành và kiện toàn, phát triển mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên BVCSTE ở cơ sở.
Theo đó, Sở tổ chức 156 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý và thực hiện chương trình, kế hoạch về quyền tham gia của trẻ em cho 9.360 cho cán bộ, giáo viên, cộng tác viên, tình nguyện viên, trẻ em nòng cốt tham gia công tác BVCSTE; 54 lớp tập huấn kiến thức cho 2.160 giáo viên, cán bộ nòng cốt làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và phòng chống đuối nước cho trẻ em; tập huấn kiến thức về an toàn phòng chống đuối nước cho trên gần 200 cán bộ, giáo viên mầm non, 2.400 trẻ em (từ 6 - 15 tuổi) và 900 gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi; duy trì 25 câu lạc bộ trẻ em nòng cốt, 31 câu lạc bộ cha mẹ nhằm nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em tại cộng đồng và giúp trẻ em được bày tỏ nguyện vọng, nói lên tiếng nói của mình.
Nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em, những năm gần đây, Sở LĐ-TB&XH còn tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các chính sách liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đảm bảo các quyền cơ bản như: quyền được khai sinh, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, quyền được vui chơi, giải trí, quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc....
Đối với công tác điều tra, xét xử các vụ liên quan đến trẻ em, giai đoạn 2012-2020, Sở đã phối hợp với ngành chức năng phát hiện, thụ lý điều tra 239 vụ, 259 đối tượng có hành vi xâm hại 254 trẻ em; đến nay, khởi tố 220 vụ, 35 bị can; xử lý hành chính 17 vụ, 23 đối tượng. Dự báo thời gian tới, tình hình trẻ em bị đuối nước, bị bạo lực, xâm hại chưa có chiều hướng thuyên giảm, đặt ra những khó khăn, thách thức mới, yêu cầu cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của mọi người dân. Do đó, để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu bảo vệ trẻ em, cùng với các cấp, các ngành, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp vận động xã hội hóa công tác BVCSTE; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình hành động vì trẻ em ở cơ sở; đồng thời, tăng cường giám sát liên ngành trong thực hiện các quyền trẻ em.
Hồng Oanh