Tuy vậy, công tác giữ gìn ANTT nơi đây vẫn đứng trước rất nhiều khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ công an và cả tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân.
Cái khó đầu tiên của An Lương là giao thông. Đèo cao, suối sâu, đường xói lở do mưa lũ. Đường chính là vậy, đường thôn còn khổ hơn, nhất là về các thôn Sài Lương 2, Sài Lương 3. Đại úy Hà Minh Thư - Trưởng Công an xã An Lương cho biết: "Đường khó đi, cố gắng khắc phục, đi mãi sẽ đến, nắng thì đi xe máy, mưa thì đi bộ. Cái khó khăn nhất, lo nhất vẫn là 4 thôn trong xã chưa có sóng điện thoại nên cản trở rất lớn trong việc thông tin liên lạc kịp thời. Không có sóng di động, tất cả đều phải trao đổi trực tiếp”.
Khó nhưng không phải không có cách làm, chỉ có điều cần nỗ lực hơn. Thời gian qua, lực lượng công an xã An Lương đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai nhiều biện pháp nhằm giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đối với nhiệm vụ quan trọng này.
Mọi chủ trương, giải pháp đưa ra đều sát hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương những vấn đề dễ nảy sinh ở địa bàn vùng cao được đặc biệt quan tâm như: Cảnh giác trước luận điệu tuyên truyền, lôi kéo của các thế lực thù địch; ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, mua bán người, trồng và tàng trữ trái phép các chất ma túy; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo; ngăn chặn và xử lý dứt điểm những vụ việc như mâu thuẫn gia đình, dòng họ, tranh chấp đất đai…
Có thể nói, những biện pháp nhằm đảm bảo trật tự an ninh vừa kể trên không có gì mới nhưng đến An Lương mới biết, để triển khai được những việc ấy không hề đơn giản. Đơn cử như một buổi họp dân để tuyên truyền về thu nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại một thôn vùng cao vào buổi tối, anh em công an phải có mặt từ sáng sớm hoặc từ hôm trước để cùng với cán bộ thôn đi mời từng hộ, lỡ trời đổ mưa thì chấp nhận lùi đến ngày hôm sau.
Vận động được bà con mang khẩu súng như vật gia bảo trong nhà đem nộp đã rất khó, thu nộp được rồi, mang vác về xã để nộp về kho Công an huyện Văn Chấn cũng chẳng dễ tý nào, sơ sảy là cả người, cả súng lăn xuống vực.
Trung úy Hoàng Anh Tú, phụ trách thôn Suối Dầm cho biết: "Chúng tôi là Công an xã nhưng chủ yếu làm việc ở bản, xuống với đồng bào để lắng nghe và thấu hiểu, để tuyên truyền và vận động bà con đề cao cảnh giác. Vùng cao bình yên lắm nhưng vẫn phải cảnh giác và phải bám địa bàn để kẻ xấu không thể dễ bề hành động”.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã làm tốt công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn, triển khai các biện pháp đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trong tháng cao điểm dịp tết Nguyên đán, bảo vệ an toàn cuộc bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026; tổ chức phát động Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và tuyên truyền về chính sách pháp luật ở 6/9 thôn; tổ chức ký cam kết bảo đảm ANTT cho 100% số hộ trong xã; vận động thu hồi 3 khẩu súng hơi tự chế; tổ chức 45 buổi tuần tra vũ trang; trực tiếp giải quyết và tham gia cùng các tổ công tác giải quyết kịp thời hàng chục vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Đặc biệt, lực lượng Công an xã còn tích cực triển khai cấp căn cước công dân và thu thập dữ liệu thông tin dân cư và chủ động nắm bắt tình hình phòng chống dịch Covid-19, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép…
Giữa cái nắng cháy da, cháy thịt của tiết trời tháng 6, nhà làm việc của Công an xã An Lương làm tạm bợ bằng mái tôn, vách tôn nên càng ngột ngạt hơn. Đến giờ trưa, mấy anh em công an, người hoàn thiện hồ sơ, báo cáo, người chuẩn bị tài liệu để ngày mai đi bản làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phòng chống tình trạng bóc trộm quế ở vùng giáp ranh, người vào bếp chuẩn bị bữa ăn. Khó khăn, thiếu thốn nhưng mỗi cán bộ luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao, để vùng quê núi được bình yên.
Lê Phiên