Những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn luôn phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Hàng năm, Hội đã tổ chức ký kết giao ước thi đua với 100% các cơ sở Hội, gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, "Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, "Phụ nữ Văn Chấn chung tay xây dựng nông thôn mới”…
Theo đó, hội viên đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cấy trồng, vật nuôi, tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của huyện như: Trồng rừng FSC, trồng lúa, chè chất lượng cao, cây ăn quả có múi, nuôi ba ba, gia súc, gia cầm…
Nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, điển hình như: Mô hình trồng cam của gia đình hội viên Vũ Thị Lợi, xã Thượng Bằng La; mô hình trồng quế của hội viên Bàn Thị Ghến, xã Nậm Mười; mô hình nuôi ba ba của hội viên Đoàn Thị Thảo, xã Cát Thịnh…
Cùng đó, với thế mạnh của huyện về chế biến chè, gỗ rừng trồng, sản xuất vật liệu xây dựng nhiều hội viên đã trở thành chủ các cơ sở sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương. Tiêu biểu như hội viên: Lâm Thị Thoa - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Suối Giàng; Phạm Thị Hằng - Giám đốc HTX gỗ ván bóc xã Bình Thuận; Vũ Thị Hiền - Giám đốc Doanh nghiệp Bình Hiền, xã Tân Thịnh…
Trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, dịch vụ du lịch, hội viên đã năng động, nhạy bén với thị trường, phát triển trên các lĩnh vực kinh doanh thương mại cung ứng ra thị trường các sản phẩm lương thực, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng, cơ sở du lịch thu hút lượng lớn khách tham quan nghỉ dưỡng… nổi bật như: mô hình Homestay của gia đình hội viên Vàng Thị Dua, Sùng Thị Sày, xã Suối Giàng; mô hình dịch vụ ăn uống của hội viên Trần Thị Cúc, xã Tân Thịnh và Nguyễn Thị Hà, xã Đồng Khê; mô hình dịch vụ nông nghiệp của hội viên Đỗ Thị Chình, xã Nghĩa Tâm…
Bà Hà Thị Thúy - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: "Từ việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, hội viên từ vùng thấp đến vùng cao đã tích cực thi đua lao động sản xuất, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; giúp đỡ nhau vốn, giống cũng như kinh nghiệm sản xuất cùng vươn lên thoát nghèo. Hội đã đẩy mạnh hỗ trợ hội viên vay vốn qua các ngân hàng trên địa bàn huyện… Hiện, toàn huyện có 1.061 mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ có thu nhập cao, đặc biệt có 96 mô hình thu nhập từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng và 14 mô hình thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm”.
Bên cạnh đó, các cấp hội cơ sở đã thực hiện hiệu quả Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch”.
Từ năm 2016 đến nay, có 26.982 lượt gia đình hội viên được tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch”. Hội đã tuyên truyền vận động hội viên duy trì 3.748 hố rác gia đình, xây dựng 105 bi chứa rác nơi công cộng, xây dựng 69 lò đốt mi ni xử lý rác thải; xây mới 16 "Ngôi nhà xanh”, thu gom phế liệu vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng được 1.032 nhà tiêu hợp vệ sinh...
Hội viên đã xây dựng được 245 mô hình "Nhà sạch vườn đẹp”, trồng trên 100 đoạn đường hoa và xây dựng gần 100 đường điện "Thắp sáng đường quê”… Hiện, toàn huyện có 17.070 hộ gia đình đạt tiêu chí "5 không, 3 sạch”. Điển hình như: Chi hội Kiến Thịnh 2, xã Chấn Thịnh; thôn Bằng Là, xã Đại Lịch; thôn Đát Quang, xã Tân Thịnh; thôn Khe Tho, xã Nghĩa Tâm…
Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua, chăm lo đến quyền lợi thiết thực của hội viên… là mục tiêu hành động của Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn trong thời gian tới để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới và hạnh phúc của phụ nữ, góp phần xây dựng huyện Văn Chấn phát triển nhanh, bền vững.
Thái Hưng