Chính phủ vừa ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg nhằm hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục để người lao động và người sử dụng lao động nhận hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP.
So với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đây, những quy định về điều kiện, thủ tục của gói an sinh 26.000 tỷ đồng đã được rút gọn, tạo điều kiện thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận chính sách.
Chủ cơ sở cần lập danh sách người lao động kèm bản sao tạm hoãn hợp đồng; bản sao văn bản tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền; bản sao công chứng kèm bản gốc (để đối chiếu) một trong các loại giấy tờ tương ứng với nhóm thụ hưởng (xác nhận của cơ quan y tế người lao động đang mang thai, giấy khai sinh, chứng nhận nuôi con...).
Danh sách sau đó chuyển cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) xác nhận trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận hồ sơ để trình UBND cấp huyện thẩm định, cấp tỉnh phê duyệt và trích kinh phí. Nếu không hỗ trợ, tỉnh phải nêu rõ lý do và thông báo bằng văn bản. Riêng nhóm lao động phải ngừng việc 14 ngày trở lên do cách ly y tế, trong vùng phong tỏa, chủ doanh nghiệp khi nhận tiền có thêm 2 ngày để chi trả đến tay người lao động.
Chính phủ cũng hướng dẫn, chính sách chi trả tiền mặt một lần 3,71 triệu đồng áp dụng cho lao động phải nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, người đó đóng bảo hiểm xã hội tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tính từ ngày 1/5 đến hết năm nay; không áp dụng cho người đơn phương nghỉ việc không đúng quy định và người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng.
Người lao động cần làm đơn đề nghị theo mẫu, kèm bản sao công chứng hoặc mang theo bản chính (để đối chiếu) hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm, quyết định thôi việc. Ai đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi cần có giấy xác nhận mang thai, giấy khai sinh, chứng nhận nuôi con nuôi.
Hồ sơ nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động nghỉ việc. Cơ quan này sẽ tổng hợp danh sách nộp lên Sở LĐ-TB&XH để trình cấp tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Tối đa 5 ngày, các cấp phải giải quyết xong để tiền đến tay người lao động.
Thời gian xét duyệt hồ sơ cũng ngắn lại, nhanh nhất 4 ngày để chi trả tiền mặt cho nhóm hướng dẫn viên du lịch và chậm nhất 14 ngày chi hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động.
Đối với lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, trường dân lập, tư thục, các cấp phải tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương vì thực hiện biện pháp phòng dịch; lao động phải ngừng việc 14 ngày trở lên do cách ly y tế, trong vùng phong tỏa; lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi thuộc hai nhóm trên thì thời gian giải quyết là 6 ngày.
Bên cạnh việc rút ngắn thời gian, thủ tục, chính sách hỗ trợ lần này còn bổ sung nhiều chính sách mới như: Hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế, các F0, F1, trẻ em dưới 16 tuổi nhận hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng một ngày.
Hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch. Theo đó, viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch có thẻ (còn hạn sử dụng) nhận hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng.
Hộ kinh doanh có đăng ký thuế phải dừng hoạt động 15 ngày trở lên được nhận 3 triệu đồng; doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc;...
Với lao động tự do, Chính phủ đã giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.
Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, Quyết định 23 đã nới lỏng điều kiện so với Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 154/NQ -CP. Theo đó, doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào Qũy hưu trí, tử tuất với điều kiện giảm 15% lao động tham gia BHXH. Doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị cho cơ quan bảo hiểm xã hội và một bản cho LĐ-TB&XH để giám sát. Thủ tục được giải quyết trong vòng 5 ngày từ thời điểm nộp hồ sơ.
(Theo Vietnamnet)