Đúng hẹn, thương binh Nguyễn Huy Quý vội mang rau đi chợ bán rồi trở về tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ giữa những luống rau thơm xanh tốt. "Tôi sinh năm 1952, tuổi Thìn, nhưng rồng này sợ mưa lắm!” - thương binh Nguyễn Huy Quý đã mở đầu câu chuyện đầy hóm hỉnh.
Rồi đồng chí nói tiếp: "Tôi được cha mẹ cho ăn học đầy đủ. Thời chiến tranh mà lên mãi Việt Thành, huyện Trấn Yên trọ học hết cấp III là không nhiều người đâu. Học xong cấp III, năm 1973, tôi được xét tuyển vào Trường Trung cấp Công an, cuối năm 1974 ra trường về nhận công tác tại Tổ trọng án, Phòng Cảnh sát, Công an tỉnh Yên Bái. Khi thành lập tỉnh Hoàng Liên Sơn, tôi làm việc tại Phòng Hình sự, Công an tỉnh, lúc thì làm ở Lào Cai, khi thì về Yên Bái và dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hoàng Tuyển làm Trưởng phòng.
Thời nào cũng thế, quê hương mình ít trọng án, nhiệm vụ của lực lượng công an chủ yếu là công tác phòng ngừa, khi xảy ra án thì tập trung triệt phá, lùng bắt kẻ phạm tội. Tuy nhiên, thời ấy tội phạm hình sự không ít, nhất là tội trộm cắp tài sản với những đối tượng lưu manh ở chợ, bến tàu, bến xe… đòi hỏi lực lượng công an phải tăng cường tuần tra, canh gác, lính hình sự phải hóa thân thành kẻ chợ để phát hiện và bắt giữ tội phạm, nhất là triệt phá, truy bắt những ổ nhóm trộm cướp”.
Đấu tranh với tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm thì lúc nào cũng khó khăn, gian khổ. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khó nhất vẫn là phương tiện kỹ thuật và thông tin liên lạc. Đơn cử như việc lùng bắt kẻ phạm tội, bây giờ, có điện thoại di động, đồng đội dễ dàng hỗ trợ, đón lõng, chia sẻ thông tin, bàn phương án hiệp đồng… nhưng cách đây hơn 40 năm thì rất vất vả. Khó khăn là thế nhưng dù trong điều kiện hoàn cảnh nào thì lực lượng công an luôn biết vươn lên, thực hiện lời Bác Hồ dạy để hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống.
Trở lại với câu chuyện thương tật của mình, đồng chí Nguyễn Huy Quý bồi hồi nhớ lại. Đầu năm 1983, Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn đồng loạt ra quân triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Công an về mở đợt truy quét tội phạm hình sự. Là đơn vị chủ lực trên lĩnh vực phòng chống tội phạm về trật tự xã hội, lực lượng hình sự do đồng chí Lê Hồng làm Trưởng phòng Hình sự.
Nhận lệnh chỉ huy trực tiếp từ đồng chí Phạm Kham - Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng đã lập nhiều chuyên án, tiến hành nhiều đợt truy quét tội phạm, bắt giữ nhiều tên từ các địa phương khác như: Hà Nội, Hải Phòng đã gây ra nhiều vụ trộm cắp trên địa bàn tỉnh, thu lại được nhiều tài sản có giá trị trả lại cho Nhà nước và nhân dân. Một ngày trời đông rét căm căm, cảnh sát hình sự đồng loạt ra quân triệt phá ổ nhóm trộm cướp ở huyện Yên Bình và một số địa phương lân cận.
Đáng chú ý trong đó có một cán bộ thoái hóa, biến chất tiếp tay cho chúng bằng hình thức chứa chấp và tiêu thụ của gian. Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, Thiếu úy Nguyễn Huy Quý cùng đồng đội khẩn trương di chuyển về Trấn Yên để bắt tội phạm và ngăn chặn hành vi tẩu tán tang vật.
Trong điều kiện đường sá gập ghềnh, phương tiện cũ nát, lại đòi hỏi phải đảm bảo tính khẩn trương và kịp thời nên tai nạn xảy ra khiến đồng chí Nguyễn Huy Quý dập nát một bên chân cùng nhiều vết thương khác trên cơ thể, anh được nhân dân sơ cứu rồi chuyển về Bệnh viện 19-8 Bộ Công an điều trị, sau đó về nghỉ chế độ thương binh hạng 2/4 ở quê nhà - thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc.
"Giờ tuổi cao, sức yếu chỉ giúp vợ ít nhiều, rảnh thì vui vầy với bạn bè đồng học, đồng nghiệp” - thương binh Nguyễn Huy Quý tâm sự với chúng tôi như vậy. Có lẽ, người chiến sĩ công an này khiêm tốn vậy thôi nhưng thực ra vẫn hăng say lao động sản xuất! Nhìn những luống rau xanh tốt quanh nhà, sọt rau tươi non mà đi bỏ mối cho các hàng quán dưới thành phố hay những tâm sự về công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã là biết ngay, người cựu công an này vẫn giữ bản chất cần cù của người con Tuy Lộc, truyền thống vẻ vang của người chiến sĩ Công an nhân dân.
Lê Phiên