Hưởng ứng Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin và kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021)

Yên Bái: Cộng đồng trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/8/2021 | 7:34:40 AM

YênBái - Yên Bái có 1.347 người bị nhiễm chất độc da cam đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi (trong đó có 735 người trực tiếp tham gia kháng chiến và 612 con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học).

Đại tá Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh (ngoài cùng bên phải) tặng quà động viên nạn nhân da cam xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình.
Đại tá Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh (ngoài cùng bên phải) tặng quà động viên nạn nhân da cam xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình.

Nhìn lại những năm tháng chiến tranh ác liệt, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, hàng vạn con em nhân dân các dân tộc hăng hái lên đường ra mặt trận với khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.


Họ đã có mặt ở khắp các chiến trường chiến đấu, phục vụ chiến đấu, anh dũng hy sinh đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm nhiệm vụ quốc tế, tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Tây Bắc của Tổ quốc. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối nhưng nhiều người đã mãi nằm lại chiến trường ở lứa tuổi 20, nhiều người là thương binh, bệnh binh trở về từ vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học, họ đều bị phơi nhiễm chất độc da cam (CĐDC)/dioxin ở mức độ khác nhau.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả CĐDC - loại chất độc được xem là đầu bảng trong các chất độc. Đây là một thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người. Không chỉ hủy hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn từng ngày, từng giờ hủy hoại sức khỏe con người Việt Nam. 

Chiến tranh đã qua hơn 46 năm, những mất mát theo năm tháng cũng vơi dần, nhưng có những vết thương vẫn đeo đẳng và cho đến tận hôm nay, thảm họa da cam vẫn là nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Để làm vơi bớt những nỗi đau da cam, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm sâu sắc, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC. Cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan chức năng đã quan tâm, triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người có công, nạn nhân CĐDC. 

Yên Bái có 1.347 người bị nhiễm CĐDC đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi (trong đó có 735 người trực tiếp tham gia kháng chiến và 612 con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học). Đối với thế hệ thứ 3, phối hợp khảo sát nắm tình hình nạn nhân trong tỉnh phát hiện có 26 trường hợp. Dù mới được thành lập, song Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh đã tổ chức được nhiều hoạt động trợ giúp, động viên nạn nhân CĐDC như: phối hợp tổ chức các hoạt động gặp mặt 200 đại biểu tiêu biểu kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam tại tỉnh; phát động Phong trào thi đua "Vì nạn nhân CĐDC”; tổ chức vinh danh những tấm lòng phụ nữ nhân hậu vì nạn nhân CĐDC; vận động xin chữ ký ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân; tôn vinh, khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xây dựng, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân... 

Để nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam, hỗ trợ các nạn nhân da cam, bám sát Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1658-CV/TU về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư, UBND tỉnh cũng ban hành các văn bản triển khai thực hiện. 

Ủy ban MTTQ, sở, ban, ngành, các cấp chính quyền trong tỉnh đều vào cuộc, triển khai thực hiện đến từng cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân. Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác hỗ trợ chăm sóc, động viên những nạn nhân trực tiếp, gián tiếp bị ảnh hưởng được nâng cao.

Đồng thời, công tác phát triển tổ chức Hội các cấp xã, phường, thị trấn  được quan tâm. Đến nay, 7/9 huyện, thị xã, thành phố thành lập được tổ chức Hội và 68 chi hội cơ sở cấp xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hoạt động của các cấp Hội thực sự là chỗ dựa tin cậy, là mái nhà chung của nạn nhân CĐDC, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, nhân dân tin tưởng.

Trong 5 năm qua, Hội đã tham mưu hỗ trợ, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn, nghèo, đúng đối tượng, đúng địa chỉ và nhu cầu. Thực hiện tốt công tác tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân. 

Hội đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền vận động sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi các đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong và ngoài tỉnh nhiều năm qua ủng hộ tiền và vật chất hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều nạn nhân CĐDC; đã làm được 42 nhà cho nạn nhân CĐDC nghèo, đặc biệt khó khăn về nhà ở với số tiền trên 1,7 tỷ đồng. 

Đặc biệt, năm 2020 được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh vận động từ nhiều nguồn xã hội hóa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, cán bộ, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh đã hỗ trợ làm nhà cho người có công với cách mạng, người bị nhiễm chất độc hóa học khó khăn về nhà ở với 427 nhà, tổng số tiền hơn 13,7 tỷ đồng. 

Thường xuyên thăm hỏi tặng quà hội viên dịp lễ, tết, Ngày Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam (10/8) hàng năm; hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, người khuyết tật là nạn nhân CĐDC; hỗ trợ hộ gia đình nạn nhân da cam vay vốn phát triển kinh tế. 

Hội cũng đã phối hợp với các đơn vị từ thiện, các bệnh viện địa phương tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho người bị nhiễm CĐDC, hỗ trợ điều trị bệnh cho hàng trăm nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. 100% nạn nhân CĐDC của tỉnh được cấp thẻ bảo hiểm y tế, nhận trợ cấp ưu đãi hàng tháng đúng quy định; bảo đảm chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm. 3 nạn nhân (thuộc thế hệ thứ 2) được đón về Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh để chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài...

Nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của Hội Nạn nhân CĐDC Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng rất vẻ vang, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi bản lĩnh, tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Hội các cấp; hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Hội là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân. 

Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” quan tâm xây dựng tổ chức Hội hoạt động vững mạnh thực hiện tốt "Đoàn kết -nghĩa tình - trách nhiệm - vì nạn nhân CĐDC”, các cấp Hội xác định một số nhiệm vụ trong  thời gian tới: 

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khắc phục hậu quả thảm họa da cam, chính sách đối với nạn nhân CĐDC. 

Hai là, tích cực tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ các cấp Hội trong thực hiện nhiệm vụ. Trước mắt tập trung mọi cố gắng để tiến hành tổ chức tốt Đại hội Hội nạn nhân CĐDC cấp huyện, thị, thành phố nhiệm  kỳ 2021-2026. 

Ba là, Hội tiếp tục làm tốt công tham mưu, đề xuất với Tỉnh  ủy, UBND tỉnh và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ quan chức năng trong tỉnh sáp nhập thành lập Quỹ nạn nhân CĐDC tỉnh, chủ động công tác tham mưu sử dụng chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC đúng quy định, chặt chẽ, công khai, minh bạch. 

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội hướng về cơ sở, gắn bó với nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa tạo mọi điều kiện để họ được tiếp cận, thụ hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước. Coi trọng công tác động viên nạn nhân chủ động vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng. Kịp thời tri ân những tấm lòng vàng, biểu dương những cán bộ Hội, hội viên tiêu biểu. Thực hiện nhiều hình thức phối hợp vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Năm là, phối hợp rà soát nắm chắc đối tượng là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước báo cáo cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng giúp đỡ, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nạn nhân và khảo sát điều tra nắm số lượng, đối tượng thế hệ thứ 3 của người có công bị nhiễm CĐDC. 

Sáu là, tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động ủng hộ cuộc đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học đã gây ra ở Việt Nam. 

Đại tá Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh

Tags Yên Bái cộng đồng trách nhiệm nạn nhân chất độc da cam

Các tin khác
Chị Giàng Thị Bâu ở thôn Mù Cao, xã Bản Mù được cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Trạm Tấu giúp cài đặt ứng dụng VssID.

Hết tháng 7 năm 2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Trạm Tấu đã triển khai cài đặt và duyệt thành công 1.450 tài khoản VssID -BHXH số cho người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 117%, vượt kế hoạch BHXH tỉnh giao cả năm.

Câu lạc bộ Cựu sĩ quan cảnh sát hình sự Công an Yên Bái thăm hỏi đồng chí Nguyễn Huy Quý nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7).

Đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an Yên Bái (16/8/1946 - 16/8/2021), chúng tôi về Tuy Lộc, thành phố Yên Bái - xã nông thôn mới kiểu mẫu, vùng rau xanh trù phú ven đô để thăm người thương binh Công an nhân dân Nguyễn Huy Quý - người đã để lại một phần cơ thể trên trận tuyến phòng chống tội phạm.

Đoàn viên thanh niên phường Nam Cường vệ sinh môi trường góp phần lan tỏa, nâng cao ý thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường.

Đều đặn, Chủ nhật tuần cuối cùng của tháng, màu áo xanh tình nguyện lại rộn ràng đi khắp xóm ngõ, khu dân cư trên địa bàn phường Nam Cường, thành phố Yên Bái để vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, phát quang bụi rậm, chỉnh trang khuôn viên công sở, trường học, nhà bia tưởng niệm, các di tích văn hóa...

Báo Thế giới trẻ (Junge Welt) đưa tin về vụ kiện của bà Trần Tố Nga.

Gần 50 năm sau lần cuối cùng quân đội Mỹ thực hiện các chuyến bay rải chất độc da cam/dioxin trên những cánh rừng già Việt Nam, loại chất hóa học chết người này tiếp tục tàn phá sức khỏe của hàng triệu người Việt Nam ngày nay, tác động tiêu cực đến những thế hệ tương lai của đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục