Yên Bái là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu trong rừng già, rừng tự nhiên có mức độ đa dạng sinh học cao và trữ lượng nhiều cây dược liệu tự nhiên quý hiếm, có giá trị y dược cao như: giảo cổ lam, sa nhân tím, tam thất…
Hiện nay, cây dược liệu của tỉnh đang được khai thác và sử dụng từ 2 nguồn chính. Nguồn dược liệu tự nhiên gồm các loài dược liệu mọc tự nhiên chủ yếu trong rừng và được khai thác phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Về chủng loại cây dược liệu tự nhiên, hiện chỉ còn có một số loại đang được khai thác với số lượng ngày càng hạn chế như: giảo cổ lam, chè dây và một số loài khác (hà thủ ô, sa nhân tím, thảo quả, đỗ trọng, sơn tra, nhân trần và nhóm cây thuốc tắm của người Dao…).
Nguồn dược liệu trồng và sử dụng dược liệu trong chăm sóc sức khỏe (thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm) được hỗ trợ từ các nguồn chính sách, các hộ nông dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất với các loài cây dược liệu có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh như: Atiso, đinh lăng, sơn tra, chè dây, thanh hao hoa vàng, ý dĩ, quế, sa nhân tím, gừng, nghệ, sả, khôi tía...
Nhìn chung, chủng loại và tiềm năng phát triển cây dược liệu của tỉnh còn nhiều, sản phẩm dược liệu có tính đặc thù cao nhưng thị trường tiêu thụ bị bó hẹp bởi các công ty dược phẩm thu mua nguyên liệu. Chỉ có một số loại dược liệu vốn dễ tiêu thụ trên thị trường tự do như: giảo cổ lam, chè dây, sa nhân tím đã có tiếng trên thị trường được các tư thương tìm mua với số lượng lớn nên được người dân quan tâm đầu tư sản xuất.
Qua rà soát, thống kê và phát triển mới, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến nay (trừ cây quế 9.289,1 ha) còn có 23 ha loài dược liệu được khai thác tự nhiên, sản lượng ước đạt 46 tấn (giảo cổ lam, khôi tía...), 9.266,1 ha loài dược liệu được gieo trồng, sản lượng dùng cho dược liệu ước đạt 7.899,8 tấn bao gồm các loài dược liệu chủ yếu sau: thảo quả, ý dĩ, sơn tra, Atiso, khôi tía, nghệ, gừng, sả, đinh lăng, ba kích, cà gai leo, đương quy, giảo cổ lam. Song, do quá trình khai thác quá mức nên nhiều loài dược liệu quý đã bị cạn kiệt và hiện nay một số loại đã nằm trong sách Đỏ.
Để đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dược liệu, thuốc đông y, UBND tỉnh đã và đang có chính sách khuyến khích phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển quế tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020.
Quyết định số 1147/QĐ-UBND ngày 29/6/2019 của UBND tỉnh giao chi tiết dự toán kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2019 (đợt 1) gồm: dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu (cây khôi nhung); dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu hà thủ ô, giảo cổ lam Lục Yên...
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn như: việc rà soát, thống kê, điều tra, nghiên cứu đánh giá về tiềm năng, chủng loài cây dược liệu chưa thực sự quan tâm nghiên cứu sâu; diện tích trồng còn phân tán, chủng loài còn nghèo nàn; phát triển một số cây trồng còn mang tính phong trào, chưa bền vững, khó khăn trong tiêu thụ như tiêu thụ sản phẩm qua nhiều trung gian nên bị ép cấp, ép giá hoặc đầu ra, bạn hàng chưa ổn định, bền vững; đầu tư cho phát triển dược liệu, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tuy đã rất tích cực nhưng kết quả còn hạn chế, chưa bền vững.
Do đó, tới đây cần tiếp tục thực hiện đề án phát triển cây sơn tra tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, giữ ổn định diện tích hiện có và trồng mới, phấn đấu đạt 10.000 ha cây sơn tra, sản lượng hàng năm ước đạt trên 4.000 tấn; đề án phát triển quế tại các huyện: Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên phấn đấu đạt diện tích 78.000 ha, sản lượng hàng năm cung cấp nguyên liệu để chế biến dược phẩm, thực phẩm, chế biến tinh dầu quế, gỗ quế, đồ lưu niệm.
Đồng thời, các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu đã được phê duyệt; xây dựng mô hình trồng cây dược liệu lá khôi dưới tán rừng trồng sản xuất và dưới tán cây đất vườn hộ tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên với diện tích 10 ha...
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, có chính sách ưu đãi các cơ sở sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất thuốc tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP-WHO) và theo hướng dẫn của Trung ương. Tăng cường vai trò của Hội Đông y tỉnh nhằm tạo bước chuyển rõ rệt trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền kết hợp với y học hiện đại trong bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Trần Minh