Cuối tuần, trong không gian chè cổ thụ Suối Giàng, lớp học sẻ chia lại rộn rã âm thanh tập phát âm tiếng Anh của học trò bản Mông. Những gương mặt hào hứng, nhiệt tình hòa mình vào từng nội dung bài học đủ thấy niềm yêu thích học tập, mở mang kiến thức trong các em nhiều đến độ nào.
Anh Đào Đức Hiếu chia sẻ: "Thấy các em học sinh chịu nhiều thiệt thòi, tôi đã có ý tưởng xây dựng lớp học mà ở đấy người học được học miễn phí và người dạy cũng dạy miễn phí. Có lẽ, chính vì thế, từ khi còn thai nghén lớp học, tôi đã nhận được rất nhiều lời động viên, sự ủng hộ đồng hành cùng xây dựng, phát triển dự án của bạn bè khắp nơi. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, của người dân Suối Giàng. Sau hơn 3 tháng xây dựng, đến tháng 10/2020, lớp học chính thức đi vào hoạt động".
Đến với lớp học sẻ chia, người học được học và người dạy cũng được học. Người học được học những kiến thức về tiếng Anh, tin học, về kỹ năng sống, được đào tạo về nghệ thuật pha trà, cách bảo quản, kinh doanh, bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật của người Mông.
Đối với người dạy là tình nguyện viên, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, giáo viên tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, giáo viên, sinh viên tình nguyện của Hải Phòng, Hà Nội, nhóm khách du lịch sẽ được học viên lớp học dạy lại những tri thức, văn hóa bản địa.
Tham gia lớp học sẻ chia, em Vàng Thị Trang ở bản Pang Cáng cho biết: "Em rất thích đến học tại đây. Chúng em được học rất nhiều điều mới lạ, nhất là được bổ sung thêm kiến thức môn tiếng Anh. Nhờ vậy, em và các bạn đã tự tin học, thực hành giao tiếp tiếng Anh. Em sẽ cố gắng học thật tốt để khi có du khách người nước ngoài đến Suối Giàng, em có thể tự tin giới thiệu quê hương mình, văn hóa đặc sắc của người Mông bằng tiếng Anh".
Đúng với tên gọi, lớp học sẻ chia không chỉ mang đến kiến thức mà còn khơi dậy trong các em tình yêu thương, lòng nhân ái biết sẻ chia giúp đỡ mọi người thông qua việc giáo dục kỹ năng sống. Đó là hành trang các em mang theo trong cuộc sống sau này.
Em Giảng A Hà ở thôn Giàng B cho biết: "Các cô chú, thầy cô đã dạy cho chúng em biết phải làm sao khi có thiên tai xảy ra, cách giao tiếp với bạn bè, người thân, chia sẻ yêu thương, cách phòng tránh, xử lý tai nạn thương tích, bảo vệ môi trường vùng cao trước sự phát triển của du lịch... Em thấy rất vui, thích học những kỹ năng bổ ích và thiết thực”.
Bên cạnh đó, lớp học còn hướng tới mục tiêu tăng cường sự giao lưu giữa trẻ em vùng cao và thành phố bằng việc thu hút các đoàn khách du lịch có trẻ em đồng lứa. Thông qua đó, xây dựng sự tự tin cho trẻ em vùng cao khi bước ra thế giới rộng lớn và tạo trải nghiệm cho trẻ em thành phố khi về với núi rừng.
"Việc xây dựng một lớp học không khó, khó nhất là vận hành, duy trì và kết quả đạt được đến đâu. Hành trình này còn gian nan nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để chia sẻ được thật nhiều tri thức cho các em nhỏ vùng cao” - anh Hiếu tâm sự.
Hy vọng, bằng tình yêu, sự tâm huyết của anh Hiếu và các cộng sự, lớp học chia sẻ sẽ luôn phát triển mạnh mẽ, mang tương lai đến trẻ em vùng cao.
Lê Thương