Sức sống mới trên khu vực “rốn lũ” ở huyện vùng cao Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/8/2021 | 10:59:28 AM

YênBái - Sau 3 năm trở lại Bản Tủ xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái), nơi đây đã "thay da đổi thịt", khoác lên mình bộ áo mới của những ngôi nhà khang trang, đường bê tông trải dài dẫn vào bản hòa với màu xanh tươi mát của những đồi chè, ruộng lúa, nương ngô… Tất cả đều vẽ lên bức tranh ấm no, hạnh phúc của Bản Tủ sau cơn lũ lịch sử vào tháng 7/2018.

Sau 3 năm, Bản Tủ đã khoác lên mình bộ áo mới
Sau 3 năm, Bản Tủ đã khoác lên mình bộ áo mới

Người dân ổn định cuộc sống

Cơn bão số 3 vào tháng 7/2018 đã gây ra những hậu quả nặng nề về người và tài sản trên địa bàn huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải và Văn Yên của tỉnh Yên Bái. Trong đó, bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi cả bản gần như bị "xóa sổ” chỉ sau vài giờ đồng hồ cơn lũ đi qua.

Thế nhưng, giờ đây, bản Tủ đã khoác lên mình một diện mạo mới, người dân thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống đoàn kết, hạnh phúc. Đó là nhờ sự hỗ trợ, quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cùng sự quyết tâm xây dựng cuộc sống mới của người dân bản Tủ.

Bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn với 100% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Để kịp thời ổn định chỗ ở cho người dân sau lũ, tỉnh Yên Bái đã bố trí, xây dựng Khu tái định cư bản Tủ cách nơi xảy ra trận lũ năm 2018 chừng gần 1 km với các hạng mục như đường bê tông, đường điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa khang trang và quỹ đất dành cho gần 50 hộ gia đình.

Giúp người dân ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn đã tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất; nhiều chính sách ưu đãi dành cho vùng đồng bào dân tộc cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng triển khai thực hiện. Sự quan tâm kịp thời đó đã giúp người dân bản Tủ có động lực để quyết tâm xây dựng cuộc sống mới.



Người dân đã ổn định cuộc sống nhờ khu tái định cư mới

Ông Hà Văn Huyên - Bí thư Chi bộ bản Tủ cho biết: Năm 2018 do cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề trong bản, cả bản có 7 nhà bị trôi, sập hoàn toàn và có hơn 40 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp về nhà ở, hơn 80 hộ dân bị ảnh hưởng hoa màu. Thời gian đó, việc cần nhất là cả bản phải có quỹ đất để ổn định cuộc sống cho bà con. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, người dân bản Tủ đã có khu tái định cư, đến giờ, cuộc sống của bà con đã ổn định.

Vượt khó phát triển kinh tế không quên bảo vệ môi trường

Cách đây 3 năm, gia đình ông Hà Văn Quê là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề khi dòng lũ đi qua. Trận lũ đã cuốn trôi toàn bộ chuồng trại chăn nuôi của gia đình. Mất tư liệu sản xuất, ông Quê từng buồn tủi nghĩ, không biết đến bao giờ mới có thể khôi phục lại được. Nhưng được hỗ trợ vay 40 triệu đồng, ông Quê đã đầu tư lại chuồng trại và mua con giống về nuôi. Cần cù, chịu khó lại ham tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đàn gia súc luôn phát triển khỏe mạnh.

Đến nay, gia đình ông Quê duy trì mô hình chăn nuôi trâu bò từ 10 con trở lên kết hợp với nuôi lợn nái để bán giống. Từ đó, gia đình ông có thu nhập, dần trả hết nợ và có thêm tiền để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, trở thành hộ có thu nhập khá trong bản.

Ông Quê chia sẻ: "Cũng nhờ có Nhà nước hỗ trợ người dân chúng tôi, nhờ đó mà gia đình tôi mới phát triển như ngày hôm nay. Sau này gia đình tôi cũng mong nhà nước hỗ trợ cho gia đình tôi cũng như các gia đình khác để phát triển kinh tế”.



Nhiều hộ gia đình vượt khó, vươn lên làm kinh tế

Bên cạnh đó, bản Tủ cũng có nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình trồng bí lấy hạt, mô hình trồng chè, mô hình chăn nuôi gia súc với nhiều hộ có thu nhập từ 70 đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, góp phần cùng xã Sơn Lương hoàn thành tiêu chí về thu nhập trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

Kinh tế vững vàng, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, người dân bản Tủ lại cùng nhau trang hoàng nhà cửa, tổ chức các buổi vệ sinh đường lãng, ngõ xóm, cải tạo môi trường, xây dựng mô hình nhà sạch, vườn đẹp.



Người dân trong bản cùng nhau vệ sinh đường lãng, ngõ xóm, cải tạo môi trường

Nhờ đó, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, không còn tình trạng rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi; nước thải, chất thải trong sinh hoạt và chăn nuôi được thu gom và xử lý theo đúng quy định; 100% người dân trong thôn được sử dụng nước sạch; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Ông Lò Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn cho biết: Trong thời gian tới UBND xã tiếp tục quan tâm đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất cho thôn, bản, nhất là quan tâm nhiều hơn tới các mô hình phát triển kinh tế, tái đàn gia súc. Đồng thời, xã cũng vận động người dân san tạo lại những cánh đồng bị lũ cuốn trôi để tận dụng canh tác.



Trong Bản xây các bể chứa thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật

Cuộc sống ấm no, hạnh phúc thay cho những đau thương, mất mát do bão lũ gây ra ở bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn là minh chứng rõ nét của sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với nhân dân. Đồng thời, thể hiện sự tin tưởng đồng lòng của nhân dân với Đảng trong xây dựng đời sống. Qua đó, góp phần cùng tỉnh Yên Bái từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng Yên Bái phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

(Theo TN&MT)

Các tin khác
Hiện trường xe đầu kéo bốc cháy trên Quốc lộ 70. Ảnh: CTV.

Khoảng 7h30’ ngày 18/8 đã xảy ra vụ cháy xe đầu kéo trên quốc lộ 70, đoạn qua địa phận huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Các công nhân lao động khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Yên Bình nhận quà hỗ trợ

UBND huyện Yên Bình phối hợp Liên đoàn Lao động huyện vừa tổ chức trao 50 suất quà, mỗi suất trị giá 920.000 nghìn đồng cho công nhân lao động (CNLĐ) gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn.

Sáng 18/8, thành phố Yên Bái khai mạc Chương trình hiến máu tình nguyện (HMTN) Yên Bái - Ngàn trái tim hồng năm 2021.

Ông Mùa Trù Vàng ở xã Kim Nọi phát triển chăn nuôi trâu từ nguồn tín dụng chính sách.

Chương trình cho vay theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, vay không phải bảo đảm tiền vay, thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng. Đây chính là cơ hội giúp người nghèo huyện Mù Cang Chải vươn lên thoát nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục