Nghĩa Lộ: Đào tạo nghề - “đòn bẩy” cho lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/8/2021 | 7:32:58 AM

YênBái - Nhiều lao động nông thôn qua học nghề đã áp dụng hiệu quả kiến thức vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

Một mô hình trồng mận cho thu nhập cao tại xã Nghĩa Lộ.
Một mô hình trồng mận cho thu nhập cao tại xã Nghĩa Lộ.

Làm giàu trên quê hương

Anh Đinh Văn Tuân ở thôn Bản Lụ 2, xã Phúc Sơn là một trong số những người có thu nhập khá nhờ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Trước đây, gia đình anh chăn nuôi nhỏ lẻ vài con lợn, hơn chục con gà, thu nhập không đáng kể. Sau khi học xong lớp chăn nuôi thú y, có thêm kiến thức, nắm chắc kỹ thuật, anh đầu tư mở rộng thêm quy mô chuồng trại. Hiện nay, gia đình anh có 3 con lợn nái, từ 30 - 40 con lợn thịt, 20 - 30 con lợn con. Mỗi lứa xuất khoảng 8 tạ thịt, trừ các chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 150 triệu đồng. 

"Không biết phải học và chỉ có học mới mạnh dạn áp dụng vào thực tế sản xuất, mới cho hiệu quả, không sợ thua lỗ” - anh Tuân chia sẻ. Ở xã Phù Nham, nhiều lao động nông thôn qua học nghề đã áp dụng hiệu quả kiến thức vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Điển hình như gia đình bà Phạm Thị Vân ở thôn Suối Đao đang nuôi 140 con lợn thịt, 20 con lợn nái, 50 con lợn từ 80 - 120 kg và hàng trăm con gà, trừ các chi phí mỗi năm bà thu về 200 triệu đồng. 

Bà Vân chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ dám nuôi từ 20 - 30 con gà, mấy con lợn vì sợ dịch bệnh và thua lỗ. Từ khi học lớp tập huấn chăn nuôi thú y, có thêm kiến thức chăm sóc và phòng, chống các bệnh trên đàn vật nuôi, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà tổng hợp”. 

Cũng như gia đình bà Vân, sau khi học xong lớp chăn nuôi thú y, gia đình bà Đinh Thị Xuân ở thôn Ta Tiu đã đầu tư mở rộng thêm quy mô chăn nuôi với 10 con lợn nái, 30 con lợn thịt, và trên 100 con gà, vịt, trừ các chi phí mỗi năm gia đình bà thu nhập trên 100 triệu đồng. Tại xã Thạch Lương, công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề (ĐTN) đã được địa phương quan tâm và có tác dụng thiết thực. 

Điển hình như chị Hoàng Thị Lắm, sau khi học xong lớp đào tạo nghề, đã làm chủ cơ sở giao nguyên liệu và tự hoàn thành sản phẩm của mình. Đến nay, chị là Tổ trưởng Tổ hợp tác mây, song, tre đan ở thôn Nậm Tọ với gần 20 lao động thường xuyên, mức thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Lắm cho biết, đến nay, xã Thạch Lương đã có 1 hợp tác xã, 1 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và 13 tổ hợp tác sản xuất hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp. Hàng năm, xã phối hợp mở từ 3 - 5 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền cấp xã ở Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất gắn với việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm. Năm 2020, xã Phù Nham đã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ mở được 4 lớp đào tạo nghề cho 120 học viên. 

Ông Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Theo kế hoạch hàng năm của thị xã, UBND xã Phù Nham chủ động xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề; tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) trong cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng của học nghề đối với tìm kiếm cơ hội việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập”.

Xã đã tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với NLĐ như chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản; nghề mây, song, tre đan; may công nghiệp… Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao… 

Theo ông Lường Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, lao động nông thôn tham gia các khoá học nghề hoặc tiếp cận với các ngành nghề mới đã tạo thêm cơ hội có việc làm, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, cũng gặp khó khăn nhất định do một bộ phận NLĐ chưa nhận thức đầy đủ về học nghề và việc làm nên đăng ký học nghề còn ít hoặc bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng đến kết quả dạy nghề. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thạch Lương cho rằng: "Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn cho người lao động, phân luồng đối tượng, tuổi đời, trình độ học vấn trong việc lựa chọn nghề học và có điều kiện làm nghề sau khi học; chú trọng lồng ghép công tác học nghề với tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng hỗ trợ việc làm có địa chỉ cho NLĐ. 

Với Thạch Lương, xã tiếp tục chỉ đạo các đoàn thể rà soát nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn sát với thực tế địa phương; lồng ghép đào tạo nghề với thực hiện chính sách hỗ trợ; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động sau đào tạo của doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động địa phương...

Năm 2021, thị xã Nghĩa Lộ đặt ra mục tiêu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương với trên 180 hộ. Để thực hiện mục tiêu này, thị xã đang triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động người dân học nghề; tổ chức tư vấn, hướng dẫn NLĐ lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo nghề theo địa chỉ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động...

Ngọc Sơn

Tags Yên Bái đào tạo nghề lao động nông thôn tư duy sản xuất

Các tin khác
Ảnh minh họa

Số cấp bằng 44% so với tổng số người có thẻ bảo hiểm y tế giảm do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg, đưa tỷ lệ bao phủ lên 84%.

ảnh minh họa

Vừa qua, UBND thị xã Nghĩa Lộ đề nghị lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ Xên đông (lễ cúng rừng).

Một bệnh viện dã chiến quy mô 3.000 giường tại tỉnh Bình Dương.

Bộ Y tế kính đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét xác nhận liệt sỹ đối với nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh.

Lễ Vu lan theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, là một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo với ý nghĩa là ngày lễ báo hiếu cha mẹ, thể hiện nét văn hóa đạo đức hiếu hạnh của đạo Phật. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các chùa trên địa bàn tổ chức nghi lễ vừa phù hợp với truyền thống Phật giáo vừa bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục