Đặc biệt, công tác tuyên truyền về vệ sinh ATTP được triển khai thường xuyên, sâu rộng với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ngành chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP.
Toàn tỉnh hiện có 8.890 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chủ yếu là các loại hình sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình; phương thức sản xuất, chế biến còn mang tính chất thủ công, truyền thống, chưa có điều kiện áp dụng các phương thức sản xuất tiên tiến. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân ý thức chưa cao, việc chấp hành các quy định liên quan đến vệ sinh ATTP còn hạn chế; một số phong tục, tập quán sinh hoạt trong cộng đồng đồng bào dân tộc ít người còn lạc hậu... ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Yên Bái đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai học tập, quán triệt thực hiện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và phổ biến, thông tin, tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản của Chỉ thị trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 08 gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã cụ thể hóa nội dung về công tác đảm bảo ATTP vào nhiệm vụ hàng năm; đẩy mạnh vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực, tự giác tham gia thực hiện công tác đảm bảo ATTP gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong công tác đảm bảo ATTP. Để thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn, UBND tỉnh cũng ban hành trên 150 văn bản chỉ đạo, điển hình như: Kế hoạch số 58; Quyết định số 2655; Quyết định số 55…
Ngoài ra, trung bình mỗi năm, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành từ 15 - 20 văn bản cụ thể hóa chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các đơn vị y tế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP. Song song với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 08, công tác sơ kết, tổng kết Chỉ thị đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc chỉ đạo và tổ chức thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định.
Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng kịp thời sự chuyển dịch của công tác quản lý nhà nước về ATTP theo quy định từ Pháp lệnh Vệ sinh ATTP sang thực hiện Luật ATTP.
Qua đó, 100% cán bộ quản lý ATTP các cấp từ tỉnh tới cơ sở và cộng tác viên ATTP là nhân viên y tế thôn, bản đều được tập huấn chương trình cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức về ATTP; tổ chức 11.034 buổi hội nghị, hội thảo, tập huấn và phối hợp tọa đàm với nội dung tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, phòng chống nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho trên 550.000 lượt cán bộ làm công tác ATTP, cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã, phường, thị trấn, người quản lý, người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; cách sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, trồng trọt, góp phần hạn chế tối đa ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng.
Kết quả, 100% các sự kiện lễ hội, hội nghị diễn ra trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua đều được ngành y tế tổ chức kiểm tra giám sát, bảo đảm ATTP như: dịp tết Nguyên đán, các lễ hội, các hội nghị, sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra tại tỉnh, đặc biệt là đại hội đảng bộ các cấp (diễn ra trong năm 2015 và năm 2020).
Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt 92,6%; tỷ lệ dịch vụ ăn uống cấp tỉnh quản lý cấp giấy chứng nhận đạt trên 90%; công tác cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, cấp giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP, tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm hàng năm luôn đảm bảo đủ thời hạn theo quy định.
Người tiêu dùng ngày càng hướng tới các sản phẩm thực phẩm an toàn để đảm bảo chăm sóc sức khỏe gia đình.
Hiện nay, toàn tỉnh xây dựng được 29 chuỗi giá trị cung cấp rau, thịt an toàn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; 17 dự án chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP; cấp phép cho 41 mô hình giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo ATTP. Với sự tham gia của một số tập đoàn trên địa bàn, bước đầu tỉnh đã xây dựng được 12 mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, chợ ATTP trên địa bàn thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, Trấn Yên. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: rau đạt chuẩn VietGap tại huyện Trấn Yên, Văn Yên; bưởi Đại Minh huyện Yên Bình; cam Lục Yên; xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận: khoai sọ nương Trạm Tấu; vịt bầu Lâm Thượng; gà xương đen Mù Cang Chải.
Các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều được sơ chế đóng gói bằng vật liệu đảm bảo ATTP và được dán tem, nhãn mác, ghi rõ địa chỉ sản xuất, ngày thu hoạch... trên bao bì. Năm 2018, tỉnh đã tổ chức thành công hội thi tuyên truyền lưu động tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đưa nội dung quy định về ATTP vào quy ước, hương ước trong thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 39 dự án được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn giai đoạn 2018-2020, Yên Bái đã và đang triển khai thực hiện 30 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm (huyện Yên Bình 8 dự án; thành phố Yên Bái 5 dự án; các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, mỗi địa phương 4 dự án; Mù Cang Chải 2 dự án; huyện Lục Yên, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ, mỗi địa phương 1 dự án). Về chương trình ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai thực hiện chương trình ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI vào các huyện, thị xã, thành phố trên diện tích ứng dụng là 37.194,1 ha với 211.965 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, tỉnh đã mở được 4 lớp tập huấn cho 150 người nhằm hỗ trợ nông dân xây dựng các bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Năm 2019, đã chỉ đạo xây dựng thành công mô hình thí điểm chợ đảm bảo ATTP tại chợ Cổ Phúc (Trấn Yên), góp phần giảm thiểu ô nhiễm vệ sinh môi trường nông thôn.
Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư, trên địa bàn tỉnh đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức và hành động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của ATTP trong đời sống xã hội. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc chăm sóc, bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc từ vùng thấp tới vùng cao của tỉnh. Đây chính là yếu tố quyết định sự thành công trong việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian tới.
Thanh Hương