P.V: Xin đồng chí cho biết những điểm mới của Luật Cư trú năm 2020, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021?
Đại tá Nguyễn Xuân Tuấn: Luật Cư trú năm 2020 gồm 7 chương, 38 điều, trong đó có một số nội dung mới đáng chú ý.
Đại tá Nguyễn Xuân Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh.
Một là, thay thế việc đăng ký, quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức đăng ký, quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (chính thức bỏ sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú (STT)). Theo đó, từ ngày 1/7/2021, người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú sẽ được cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi cư trú mới của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu về cư trú thay vì cấp SHK, STT như quy định trước đây.
Hai là, theo Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú, trường hợp người dân đã được cấp SHK, STT trước ngày 1/7/2021 thì vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định cho đến hết ngày 31/12/2022. Đối với trường hợp công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong SHK, STT thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi SHK, STT đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định và không cấp mới, cấp lại SHK, STT.
Ba là, không quy định riêng điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, điều kiện đăng ký thường trú ở 63 tỉnh, thành là như nhau.
Bốn là, bổ sung thêm nhiều trường hợp công dân bị hạn chế quyền cư trú như: người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng; địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam...
Năm là, giao toàn bộ thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú cho công an cấp xã; công an cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
Sáu là, công dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng sẽ bị xóa đăng ký thường trú. Đây là quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý về cư trú, nắm đúng thực tế số hộ, số người thường trú trên địa bàn, hạn chế tình trạng cư trú "ảo”, phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Bảy là, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm về cư trú như: làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; thuê, cho thuê, mua, bán, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú...
Tám là, bổ sung quy định để quản lý đối với trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú như: người di cư; sống lang thang không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp...
Theo đó, nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống.
Chín là, bổ sung, quy định về các địa điểm không được đăng ký thường trú mới. Đây là những nơi ở không an toàn, không thể ở lâu dài hoặc nếu cho phép đăng ký thường trú mới tại chỗ ở đó sẽ phát sinh thêm phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, quy hoạch phát triển địa phương như: chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng - an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật...
Mười là, do sử dụng phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian. Theo quy định hiện hành, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày, còn theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 tối đa là 7 ngày.
Mười một là, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã, nơi đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải đăng ký tạm trú, thời hạn tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.
P.V: Đồng chí có thể cho biết kết quả cấp căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này? Kết quả đó có tác động thế nào đến việc hiện đại hóa thủ tục hành chính liên quan đến người dân trong lĩnh vực cư trú?
Đại tá Nguyễn Xuân Tuấn: Căn cứ kế hoạch của Bộ Công an về triển khai thực hiện Dự án sản xuất, cấp, quản lý thẻ CCCD, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai đến từng đơn vị; lựa chọn những đồng chí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, trình độ về công nghệ thông tin tham gia các tổ cấp CCCD làm việc ngày, đêm tại các thôn, bản, tổ dân phố vào các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, Chủ nhật.
Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc cấp thẻ CCCD trên địa bàn tỉnh nhằm huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh cùng vào cuộc giúp đỡ lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh làm thủ tục cấp CCCD đạt 92%, trở thành là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ tiêu thu nhận hồ sơ CCCD.
Kết quả này đã tác động tích cực đến việc hiện đại hóa thủ tục hành chính liên quan đến người dân trong lĩnh vực cư trú cũng như các lĩnh vực khác, bởi thẻ CCCD gắn chíp có số định danh cá nhân của công dân sẽ thay thế cho SHK, STT. Người dân khi thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính sẽ không phải mang theo nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng CCCD gắn chíp điện tử để thực hiện.
P.V: Xin đồng chí cho biết những giải pháp để triển khai hiệu quả Luật Cư trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái?
Đại tá Nguyễn Xuân Tuấn: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, Công an tỉnh Yên Bái đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật trên địa bàn; giúp UBND tỉnh tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, ban hành kế hoạch triển khai Luật trong Công an tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị; tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai Luật cho lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, lãnh đạo chỉ huy công an cấp huyện...
Sau tập huấn của Công an tỉnh, công an các huyện tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn huyện. Để Luật Cư trú đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến và các văn bản hướng dẫn thi hành; đăng tải toàn văn trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh để người dân biết thực hiện; đăng tải những điểm mới trên các trang mạng xã hội...
Đồng thời, kiện toàn bộ máy tổ chức, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ để làm công tác đăng ký, quản lý cư trú; bố trí nơi tiếp công dân thuận tiện, đảm bảo thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú công khai, minh bạch; niêm yết thủ tục hành chính liên quan đến cư trú tại nơi tiếp công dân của công an các xã, phường, thị trấn; bố trí cán bộ trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn công tác đăng ký, quản lý cư trú của Công an các xã, phường, thị trấn…
Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục mở lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú, đồng thời đẩy mạnh, tuyên truyền Luật Cư trú với nhiều hình thức đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chú trọng chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã tích cực tuyên truyền trên các nhóm zalo của từng thôn, bản, tổ dân phố và các trang facebook của công an xã, phường, thị trấn để mang lại hiệu quả rõ nét hơn.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hồng Oanh (thực hiện)