Gần đây, dư luận đang quan tâm đến dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra lấy ý kiến giới nghề, xã hội. Việc này cho thấy trách nhiệm và ý thức quan sát, điều chỉnh của ngành chủ quản đối với những hành vi, lời nói, tác phong ứng xử của người làm nghệ thuật trước xã hội mà thời gian qua, đã có không ít sự việc, hiện tượng nổi cộm, gây sự chú ý của xã hội.
Trong đó, đáng kể là những thể hiện thiếu tích cực khi ứng xử trong cộng đồng, trả lời trên báo chí, phát ngôn trên mạng xã hội, hành xử khi làm công tác xã hội hay tham gia các hoạt động xã hội khác. Những biểu hiện đó khiến dư luận bất bình, bức xúc; có cả những trường hợp phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Dự thảo quy tắc ứng xử không dài, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có được sự bao quát cần thiết đến các quy tắc ứng xử chung; ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp; ứng xử đối với đồng nghiệp; với công chúng, khán giả; ứng xử trong công tác xã hội; trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Theo đó, tinh thần chung là hướng đến việc tuân thủ và tôn trọng pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa đất nước… Đối tượng được định hướng áp dụng quy tắc cũng là đông đảo giới nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật, gồm cả người làm việc trong đơn vị công lập lẫn tư nhân hay hoạt động tự do.
Đơn cử, để minh chứng cho sự thiện tâm và minh bạch của mình, mới đây, nghệ sĩ Trấn Thành đã công khai hàng nghìn trang sao kê có dấu mộc đỏ của ngân hàng nhằm làm sáng tỏ số tiền hơn 9 tỷ đồng - khoản tiền anh nhận được trong đợt kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung vào tháng 10/2020.
Không chỉ tung ra hình ảnh chụp của các trang sao kê, Trấn Thành còn tỉ mỉ trình bày để làm rõ một số thắc mắc của khán giả về số dư, lí do đang quay phim Bố già vào thời điểm đó nên phải chuyển cho nghệ sĩ Đại Nghĩa và bà Ngọc Hương thay mình đi trao tiền ở miền Trung. Để tăng sức thuyết phục, Trấn Thành không những sao kê trong bốn ngày kêu gọi (15-18/10/2020), anh kiểm kê tài khoản từ ngày 15/10/2020 cho tới khi chuyển hết tiền trong tài khoản và tính tới tận ngày 6/9/2021. Thậm chí, Trấn Thành còn ghi chú tỉ mỉ về các số dư, số tiền ghi nợ, số tiền chi, trong đó số tiền ghi nợ bằng số tiền ghi có của tài khoản, chênh lệch số dư không đáng kể. Anh cũng lần đầu công khai số tiền cá nhân đóng góp là hơn 788 triệu đồng, nhiều hơn con số 300 triệu đồng ban đầu Trấn Thành công bố ủng hộ đồng bào miền Trung.
Nghệ sĩ Trấn Thành chia sẻ: "Tôi chọn sao kê vì muốn gửi đến toàn thể những khán giả đã yêu thương Trấn Thành một câu trả lời thỏa đáng khi đã đặt niềm tin nơi tôi”.
Sau những vụ lùm xùm không đáng có về việc nghệ sĩ làm từ thiện từ nguồn tiền quyên góp cộng đồng, việc nghệ sĩ công khai sao kê để chứng tỏ sự minh bạch của họ là xác đáng. Đông đảo khán giả, người hâm mộ đều tin nghệ sĩ thật sự có cái tâm sáng chẳng hề e ngại việc cực kỳ đơn giản đó. Tuy nhiên, thông qua vấn đề này, rõ ràng phát lộ một xu hướng rất rõ rệt là xã hội thật sự đang dần đánh mất niềm tin.
Bởi khi chúng ta trao gửi một số tiền, một món quà… cho ai đó và nhờ họ chuyển đến những hoàn cảnh khó khăn đang cần giúp đỡ. Song chúng ta lại nghi hoặc người đó có làm đúng như họ nói, có bớt xén gì không… Ở một góc độ nào đó, một khi trao đi thì hãy tin, bất kể nơi tiếp nhận là cá nhân hay tổ chức…, còn không thì đừng trao đi. Đừng trao đi, rồi nghi ngờ và chính bản thân mình phủ định một hành động ý nghĩa!
Thực tế, sao kê là việc nên làm và "phải làm” bởi kê trước hết là để giúp cho chính bản thân nghệ sĩ, người kêu gọi từ thiện chứng tỏ được tấm lòng thiện của mình. Từ thiện bằng cái tâm hay cái gì cũng vẫn có thể nhầm lẫn. Sao kê ra nhằm giảm thiểu nhầm lẫn nếu có. Khi ấy ai thật, ai giả, ai xấu ai tốt sẽ được phơi bày.
Việc Trấn Thành và tất cả các nghệ sĩ thực hiện sao kê để công khai và minh bạch hóa các khoản từ thiện là điều rất đáng hoan nghênh. Việc đó sẽ gửi một thông điệp rất tích cực đến ba nhóm người: mạnh thường quân, người hâm mộ và người thụ hưởng. Còn với trách nhiệm minh bạch giải trình thì sao kê không phải là tất cả. Nghệ sĩ sẽ phải làm rất nhiều việc hơn là tung lên mạng tờ sao kê. Ít nhất là quy ước thu chi (từ trước khi quyên góp), sao kê nguồn tiền vào, thống kê nguồn tiền ra... Có thể các nghệ sĩ có đủ hết những hạng mục căn bản đó. Trong bối cảnh ấy, có gì hãy đưa ra, minh bạch tới đâu thì tốt cho bản thân họ tới đó!
Về vấn đề này, theo nhận định của PGS TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, nghệ sĩ là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi đứng ra kêu gọi từ thiện. Họ kêu gọi bằng hình ảnh, uy tín của bản thân thì phải chịu trách nhiệm với niềm tin của công chúng. Phần lớn nghệ sĩ làm từ thiện bằng cái tâm, chưa chuyên nghiệp, nên vướng phải ồn ào. Vì lẽ đó đòi hỏi sao kê tài khoản từ phía công chúng chính là dịp để nhìn nhận lại cách làm từ thiện, cần thay đổi để hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, lỗi không phải hoàn toàn do nghệ sĩ. Chúng ta chưa có hành lang pháp lý định hướng cũng như hỗ trợ nghệ sĩ, cá nhân, tổ chức mong muốn được làm từ thiện, quyên góp từ thiện.
Thiết nghĩ, việc xây dựng quy tắc ứng xử, cho thấy trách nhiệm, thái độ ứng xử của ngành văn hóa trước xã hội, giúp những người làm văn hóa, nghệ thuật nhìn lại, "sửa mình” khi tham gia vào đời sống chung gồm rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật, cũng như các hoạt động xã hội đa dạng.
Mong sao việc hoàn thiện và áp dụng quy tắc này sẽ hướng mạnh mẽ tới tinh thần cao nhất là thúc đẩy, phát huy sáng tạo văn hóa nghệ thuật nhằm phục vụ, phát triển xã hội, phát huy lòng thiện trong mỗi con người trước xã hội và cộng đồng. Đó là cách ứng xử đẹp nhất, ý nghĩa nhất mà nghệ sĩ, người làm nghệ thuật cần dành cho người hâm mộ đã và đang đặt niềm tin vào họ.
(Theo dangcongsan.vn)