Chị Hà Kiều Chinh, thôn Tát Diêu, xã Khánh Hoà, huyện Lục Yên chia sẻ: "Năm 2016, với số tiền 40 triệu đồng vay theo Chương trình hộ nghèo để trồng rừng, chăn nuôi, sau 5 năm rừng trồng được khai thác, gia đình đã trả nợ Ngân hàng xong và có vốn tiếp tục phát triển kinh tế lâm nghiệp nên đã thoát nghèo”.
Còn với gia đình chị Phạm Thị Liệu, thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, năm 2016 được vay 35 triệu đồng vốn hộ nghèo đầu tư nuôi lợn, sau 5 năm đã giúp gia đình chị vươn lên có mức sống khá với thu nhập 70 triệu đồng/ năm.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện Lục Yên đã nhân rộng các mô hình kinh tế nông lâm nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ mang lại hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Lục Yên cho biết: "Để quản lý tốt nguồn vốn ủy thác với Phòng giao dịch NHCSXH huyện, hàng năm Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch, rà soát hội viên nghèo cùng các nguồn lực của hội ở cơ sở hỗ trợ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hội viên”.
Được biết, Hội LHPN huyện Lục Yên hiện quản lý 101 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với tổng dư nợ ủy thác do Hội quản lý gần 177 tỷ đồng giúp cho 3.713 hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế với 13 chương trình tín dụng ưu đãi: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm; nhà ở hộ nghèo; sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, xuất khẩu lao động, cho vay hộ mới thoát nghèo…
Ngoài việc đứng ra tín chấp cho các hội viên vay, các cơ sở Hội LHPN trong huyện đã tích cực vận động hội viên tham gia gửi tiết kiệm được trên 5,9 tỷ đồng.
Phát triển kinh tế, giảm nghèo, tăng thu nhập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương. Trong 5 năm qua, các cấp Hội LHPN huyện Trấn Yên đã phối hợp với NHCSXH hướng dẫn cho hàng ngàn hội viên vay vốn với tổng dư nợ hơn 110 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn vay đã giúp cho hội viên, nhất là chị em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Qua đó, đã giúp 315 hộ phụ nữ thoát nghèo; giúp trên 300 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 2,11%. Đồng thời, các cấp hội đã tích cực vận động chị em cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; 100% cơ sở hội đều có điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Hội viên phụ nữ trong huyện còn mạnh dạn đổi mới hình thức làm ăn theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm mới cho hội viên phụ nữ. Hiện nay, toàn huyện hiện đã có 37 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ thu hút trên 50% lao động nữ.
Toàn tỉnh hiện có 756 tổ TK&VV với tổng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng. Để nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV ở địa bàn; thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích; thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; duy trì thường xuyên sinh hoạt tổ.
Thông qua đó, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Hội; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi để cùng nhau sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong hội viên và quần chúng nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến việc khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển, phụ nữ khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện giúp các hộ thoát nghèo tiếp tục được vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi góp phần thoát nghèo bền vững; phối hợp xây dựng các mô hình giúp hội viên phát triển kinh tế hiệu quả.
Anh Dũng