Gia đình anh Hoàng Văn Vang ở thôn Phú Thôn, xã Yên Phú là hộ nghèo vì thiếu vốn, thiếu kiến thức phát triển kinh tế. Đầu năm 2020, anh được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ người nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Hội Nông dân xã hỗ trợ 1 triệu đồng mua gà giống và thức ăn. Đồng thời, anh được tham gia lớp tập huấn ngắn hạn về chăn nuôi, trồng rừng. Từ số tiền được vay, anh Vang đã mua 1 con trâu nái, sửa lại hệ thống chuồng trại để nuôi gà.
Anh Vang cho biết: "So với những năm trước thì cuộc sống hiện tại của gia đình tôi đã khá hơn rất nhiều. Từ 50 con gà giống được hỗ trợ, đến nay, tôi đã nhân đàn lên được gần 100 con và cuối năm xuất bán. Nhận thấy cuộc sống khá hơn, nên tôi đã viết đơn xin thoát nghèo”.
Gia đình anh Đặng Tòn San ở thôn Đoàn Kết, xã Đại Sơn cũng là hộ nghèo nhiều năm qua. Năm 2017, gia đình anh được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản theo Chương trình 135 của Chính phủ. Đến năm 2018, gia đình anh vay 70 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư trồng quế và mở dịch vụ thu mua quế cho bà con trong xã. Đến nay, gia đình anh San có trên 1 ha quế được 4 - 5 năm tuổi và trừ mọi chi phí đầu tư, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình anh đạt gần 100 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, anh còn giúp đỡ nhiều hộ trong thôn về cây, con giống để vươn lên thoát nghèo.
Năm 2021, huyện Văn Yên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,15% trở lên so với năm 2020, tương đương giảm 757 hộ nghèo trở lên; trong đó, có ít nhất 100 hộ tự nguyện thoát nghèo; đồng thời, giúp đỡ 23 hộ nghèo thuộc đối tượng hưởng chính sách người có công để hướng đến không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng hưởng chính sách người có công.
Theo đó, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị và tổ chức, cá nhân vào cuộc trong công tác giảm nghèo; chú trọng chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư xây dựng, củng cố kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình.
Quan tâm vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; phân loại chính xác các nhóm đối tượng nghèo để kịp thời có các chính sách, giải pháp, biện pháp phù hợp, khả thi trong thực hiện giảm nghèo; chỉ đạo các ban, ngành của huyện phối hợp chặt chẽ với hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để các hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
9 tháng năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho gần 2.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn để phát triển kinh tế với số tiền gần 126,8 tỷ đồng; toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 2.195 lao động; mở 9 lớp đào tạo nghề cho gần 300 lao động nông thôn; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho trên 700 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,7%, tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Bà Lã Thị Liền - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: năm 2021, huyện dành trên 488 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân giảm nghèo thông qua các chương trình, dự án.
Cùng đó, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, nhất là vùng cao. Triển khai thực hiện hiệu quả một số chính sách của tỉnh trợ giúp xã hội đặc thù đối với các đối tượng thuộc hộ nghèo, đối tượng yếu thế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ tư liệu sản xuất, kết hợp với vận động đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đổi mới phương thức tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng giá trị sản phẩm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về giáo dục, y tế, nhà ở, ưu đãi tín dụng, triển khai các chương trình, dự án đầu tư củng cố kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế vùng nông thôn tạo môi trường thuận lợi cho hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thanh Tân