Theo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 33/2021/QĐ-TTg nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Nhiều nội dung và quy trình đã được điều chỉnh theo hướng cận nhật, thực tế và thuận tiện hơn trong triển khai chính sách.
Giảm điều kiện được nhận hỗ trợ
Quyết định 33 nêu rõ, người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 1/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% (trước đây là 15%) số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 1/2021.
Được biết, Quyết định 33/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký ban hành và không áp dụng quy định của Quyết định này đối với những trường hợp đã được chi trả hỗ trợ hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh sách hỗ trợ nhưng chưa chi trả hỗ trợ theo quy định của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
|
Căn cứ để tính số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm được Quyết định nêu rõ là số lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật trừ đi số lao động mới giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2021 đến ngày người sử dụng lao động có văn bản đề nghị.
Đồng thời, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm để làm căn cứ hỗ trợ chỉ bao gồm người làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 11 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; không bao gồm người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/2/2021.
Đa dạng hóa hình thức thỏa thuận
Với thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, Quyết định 33 đã đa dạng hóa hình thức thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Nếu như trước đây quy định bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, trong Quyết định 33 đã quy định trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác, như: Điện thoại, tin nhắn, thư điện tử,...
Quy định rõ hơn hỗ trợ người lao động ngừng việc
Quy định đã bổ sung, sửa đổi các điều kiện để được nhận hỗ trợ. Cụ thể, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc vì lý do theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc một trong các trường hợp sau:
Về quy định đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Quyết định 33 cũng linh hoạt trong việc giải thích: Người lao động có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội tại tháng ngừng việc hoặc tại tháng liền kề trước thời điểm ngừng việc.
|
Phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa hoặc không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; do người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch Covid-19 từ 14 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Bổ sung mức chi hỗ trợ mới
Về nhóm đối tượng nhận hỗ trợ, Quyết định 33 đã quy định thêm đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật trong thời gian điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế, với mức hỗ trợ thêm một lần mức 1.000.000 đồng/người.
Ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế.
Bỏ điều kiện không có dư nợ tín dụng
Quyết định 33 đã bỏ điều kiện dư nợ tín dụng với người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc khi có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2022...
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.
|
(Theo Dân Trí)